MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân TPHCM tại điểm tiêm Trường THCS Huỳnh Khương Ninh. Ảnh: Chân Phúc

Việt Nam có thể tiêm hàng triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày

Thùy Linh LDO | 22/06/2021 07:00
Với năng lực hiện nay, Việt Nam có thể tiêm hàng triệu mũi vaccine một ngày. Cán bộ và nhân viên y tế tại 15.000 điểm tiêm trên toàn quốc, đều là những người đã có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn về tiêm chủng. Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không lo thiếu nguồn lực, nhân lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19.

Có thể tiêm hàng triệu liều vaccine mỗi ngày

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trong lịch sử ngành Y tế, Bộ Y tế đã tập huấn trên toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, để đảm bảo triển khai chiến dịch tiêm chủng ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận các địa điểm tổ chức tiêm chủng, đến tận bàn tiêm và thực hiện tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có); giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Với quy mô triển khai lớn nhất từ trước đến nay, công tác tiêm chủng được thực hiện ở tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở các xã, phường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, cho thấy có sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế về vấn đề này. Ban an toàn tiêm chủng có những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi ro khi tiêm. Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tiêm chủng từ khám sàng lọc trước tiêm, chẩn đoán và điều trị các vấn đề sau tiêm đến xử trí phản vệ... đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến quy mô toàn quốc về quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm trên nguyên tắc: “An toàn - Thận trọng - Thực hiện từng bước - Tăng cường tối đa độ bao phủ”.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp phát sinh tai biến tiêm chủng tại cơ sở y tế của mình để việc triển khai tiêm chủng đạt kết quả cao, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Về năng lực tiêm chủng tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định: “Với năng lực hiện nay, Việt Nam có thể tiêm hàng triệu mũi vaccine một ngày. Cán bộ và nhân viên y tế tại 15.000 điểm tiêm trên toàn quốc, đều là những người đã có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn về tiêm chủng. Chúng ta không lo thiếu nguồn lực tiêm chủng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tiêm chủng sẽ được triển khai tại các bệnh viện các tuyến từ Trung ương đến địa phương, các trung tâm tiêm chủng, hệ thống y tế tự phòng từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, về đến tuyến xã... trên khắp cả nước đều đã được tập huấn đầy đủ về công tác tiêm chủng. “Tôi xin đơn cử nếu như tổ chức tiêm tại 10.000 điểm tiêm trên khắp cả nước, mỗi nơi chỉ tiêm 10 mũi vaccine là có thể tiêm hết 100.000 liều vaccine cùng lúc. Như vậy, công suất tiêm có thể đảm bảo nếu chúng ta có đủ vaccine”- ông Cường khẳng định.

Mua được vaccine sẽ đưa về Việt Nam nhanh nhất

Về việc nhập khẩu vaccine, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã bàn và thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tối đa chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vaccine thì đưa về Việt Nam thật nhanh.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua cơ quan này đã xử lý hàng trăm đề nghị, gặp gỡ hàng chục doanh nghiệp muốn được nhập khẩu vaccine nhưng sau khi tìm hiểu thì tất cả các nguồn cung vaccine đều đã có tiếp xúc trực tiếp với Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý những tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với các đơn vị trung gian chào bán vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian có giấy ủy quyền chính thức của nhà sản xuất.

Đối với việc nhập khẩu vaccine của TPHCM, căn cứ đề nghị, nhu cầu của thành phố, Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền chính thức từ nhà sản xuất và thành phố.

Bộ Y tế và các cơ quan thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm vẫn còn tình trạng tranh mua vaccine trên thế giới, nhất là trước tháng 10.2021. Các địa phương, doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vaccine tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vaccine trong năm 2021 và sang năm 2022 mới có. Dự kiến sang năm 2022 thị trường vaccine phòng COVID-19 sẽ có thay đổi.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu Bộ Y tế có văn bản sớm để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21/NQ-CP gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Đây cũng là nguyện vọng của các nhà tài trợ.

Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 xong cho đối tượng ưu tiên và đạt đến miễn dịch cộng đồng, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.

Liên quan đến các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước; tiến độ thử nghiệm các loại vaccine trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7.2021.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ thống nhất chủ trương, một mặt tận dụng, tiếp cận tất cả nguồn cung vaccine trên thế giới, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vaccine trong nước không chỉ phục vụ nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mà còn phát triển công nghiệp vaccine, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vaccine.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vaccine trên thế giới. Ngoài hai nguồn chính thức mua của hãng Astra Zeneca và nguồn tài trợ vaccine Sputnik V của Nga, sắp tới là vaccine của hãng Pfizer, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (3 loại vaccine Astra Zeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục nhận viện trợ vaccine song phương của các nước. Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca cho Việt Nam và cũng đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine do Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tài trợ.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:
    Tên tài khoản: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn