MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Phương Anh

Việt Nam đang được coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp

NGỌC ANH LDO | 12/12/2023 17:19

Chiều 12.12, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi với chủ đề: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, sự liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi và chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực. Trong khi đó, Việt Nam đang được coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Với lợi thế này, Việt Nam có thể duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phương Anh

"Tôi tin rằng Hội thảo lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam - Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, cũng như hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - đối tác quốc tế - châu Phi vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của các bên và thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Oemar Idoe - Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam - chia sẻ: “Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đóng góp cho vấn đề an ninh lương thực thế giới, Việt Nam còn nhiều chia sẻ với các quốc gia châu Phi về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực".

Còn theo Tiến sĩ Jongsoo Shin - Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) - cho rằng: “Hợp tác Nam - Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Từ góc nhìn tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế, chúng tôi kêu gọi các quốc gia trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tân tiến nhất. Nỗ lực hợp tác sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng tương lai bền vững hơn cho hàng triệu người nông dân trồng lúa”.

Tiến sĩ Jongsoo Shin cũng cho rằng, chia sẻ kiến thức và chuyên môn là một trong những mục tiêu chính của hợp tác Nam - Nam. Thông qua trao đổi trực tiếp trên đồng ruộng, chương trình tập huấn, đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nông dân sẽ hiểu rõ hơn, tại sao họ cần chuyển đổi phương pháp canh tác.

Kết thúc Hội thảo là lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện FAO tại Sierra Leone về Hợp tác Dự án Nam - Nam; lễ ký kết Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký cam kết hỗ trợ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Phương Anh

Chiều cùng ngày, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ký cam kết hỗ trợ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Hợp tác Nam - Nam và Ba bên (South - South and Triangular Cooperation) giúp thúc đẩy liên kết giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau, cũng như tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới. Theo thỏa thuận 3 bên đã ký, trách nhiệm của phía Việt Nam là hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật viên để chuyển giao công nghệ và hướng dẫn nông dân các nước sở tại về kỹ thuật sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn