MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Châu Tường

Việt Nam đẩy mạnh bảo vệ rừng ngập mặn vì hệ sinh thái carbon xanh

Vũ Long LDO | 21/11/2023 17:42

Việt Nam nỗ lực quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Rừng ngập mặn - lá chắn bảo vệ môi trường

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), rừng ngập mặn như nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, đặc biệt là tại các địa phương có rừng. Rừng ngập mặn được coi là thành phần quan trọng của hệ sinh thái “carbon xanh”, trở thành tài sản quý giá carbon bền vững và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về giá trị của rừng ngập mặn ven biển, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh: Mặc dù diện tích rừng ven biển chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng loại rừng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân.

"Chính phủ Việt Nam luôn đề cao vai trò, giá trị của rừng ngập mặn và đã không ngừng tăng cường chính sách quản lý rừng" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định.

Rừng ngập mặn ven biển Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngày 21.11.2023, tại hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ NNPTNT phối hợp với UNDP tổ chức, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn; đồng thời nêu bật về các dự án hợp tác triển khai cùng với Bộ NNPTNT, gồm cả hoạt động trồng và phục hồi hơn 4.000ha rừng ngập mặn và một dự án sắp tới do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000ha nữa.

UNDP và các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam bảo vệ rừng ngập mặn

Đề cập đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ chương trình toàn cầu "Lời hứa khí hậu" của UNDP, do Chính phủ Anh hỗ trợ, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh: Để tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon với tính toàn vẹn cao khi thực hiện Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris trong tương lai, việc bảo vệ rừng ngập mặn là vấn đề cấp bách.

Ông Alex White - Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh cũng nêu rõ: Vương quốc Anh nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững, cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh.

“Sự hợp tác của chúng tôi với UNDP về rừng, sử dụng đất và thiên nhiên tập trung vào việc tìm hiểu lợi ích của các hệ sinh thái rừng quan trọng này và chúng tôi rất vui khi được chứng kiến những hoạt động chung của Vương quốc Anh và UNDP tại Việt Nam” - ông Alex White nói.

Theo ông Phạm Hồng Vích - Phó Trưởng ban BQL các dự án lâm nghiệp, đến nay dự án đã trồng và phục hồi gần 4.000ha rừng cùng 37.000ha được chi trả khoán quản lý bảo vệ đã góp phần tạo các dải rừng phòng hộ ven biển cho 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam, góp phần hỗ trợ địa phương và người dân tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Thông tin về đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong chính sách và hướng dẫn kỹ thuật để quản lý rừng bền vững, với những thành tựu trong bảo vệ và trồng rừng, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bảo vệ rừng, bao gồm cả khó khăn trong công tác trồng rừng ngập mặn trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn