MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Smartphone vẫn là trung tâm kết nối IoT trong thời kì 5G (ảnh: Zing.vn).

Việt Nam nằm trong top 50 nhà mạng triển khai 5G đầu tiên

THẾ LÂM LDO | 23/09/2019 11:29

Kết nối GPRS hay 4G được cho rằng không đáp ứng được cho việc phát triển xã hội số. Cùng với việc khai trương thử nghiệm mạng 5G của Viettel tại TP.Hồ Chí Minh,Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong top 50 nhà mạng triển khai 5G đầu tiên.

Ngày 21.9, sóng 5G được Viettel phủ lên toàn bộ địa bàn phường 12, quận 10, TP.Hồ Chí Minh. Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Hiện trên thế giới mới có khoảng 10 quốc gia thương mại hóa 5G (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga).

Mạng 5G với tốc độ gấp khoảng 10 lần so với 4G đang được kỳ vọng chính là nền tảng kết nối cho một xã hội số, trong đó bao gồm đô thị thông minh với những công dân số, nhà thông minh, các dịch vụ trực tuyến và đặc biệt là Internet vạn vật (Internet of Things - IoT).

Có một chi tiết đáng chú ý tại sự kiện Viettel khai trưởng thử nghiệm mạng 5G chính là việc nhà mạng này cũng đồng thời công bố việc đã hoàn thành xây dựng 1.000 trạm NB-IoT phủ sóng 100% TP.Hồ Chí Minh. Đây chính là yếu tố thúc đẩy trực tiếp xã hội số, kinh tế số bởi nhờ NB-IoT sẽ giúp kết nối hàng triệu thiết bị với nhau, đặc biệt là kết nối đến chính quyền số của đô thị thông minh.

NB-IoT trên hạ tầng 4G do Viettel được thiết kế bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép. Theo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố, NB-IoT có lợi thế là nó được thiết kế đặc biệt cho IoT, có vùng phủ sóng rộng và hỗ trợ kết nối cao, tiêu tốn ít điện năng ở thiết bị đầu cuối và chi phí thấp. NB-IoT là mạng di động có khả năng triển khai IoT quy mô lớn và được tối ưu hóa cho các ứng dụng phạm vi rộng công suất thấp như các ứng dụng đo thông minh, đèn chiếu sáng đường phố thông minh và hệ thống theo dõi trong ngành vận chuyển hàng hóa… Với các nhà mạng, nó được công nhận là con đường tốt nhất vào thị trường IoT. Với mạng 5G và nền tảng NB-IoT và dữ liệu lớn được lưu trữ trên đám mây, nhiều ứng dụng và dịch vụ của đô thị thông minh được triển khai như: Nhà thông minh (smarthome); kết nối với các thiết bị (IoT) như quan trắc môi trường nước, không khí, đo công tơ điện tử xa, dự báo thời tiết, cảnh báo giao thông…

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc thành phố hợp tác với Viettel xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) hiện đại và các nền tảng cốt lõi cho xã hội số sẽ giúp hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược chuyển đổi số.

Dự kiến trong tháng 9, Viettel sẽ phủ sóng NB-IoT cho 100% địa bàn thủ đô Hà Nội và đã có lộ trình triển khai tiếp tại thành phố Đà Nẵng cũng như mở rộng ra toàn quốc trong 2 năm sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn