MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trò chuyện với Báo Lao Động về chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Phong Linh

Việt Nam vẫn tiếp tục thống trị thị trường lúa gạo

NHÓM PV LDO | 01/01/2024 07:00

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: Chương trình “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, hướng đến tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” rất hợp thời. Chương trình ra đời có vai trò rất quan trọng trong việc sắp xếp lại trật tự của chuỗi sản xuất lúa gạo, từ khâu sản xuất lúa, chế biến gạo, cung cấp ra thị trường và đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Hết cảnh “mạnh ai nấy làm”

Trò chuyện với Báo Lao Động sau khi vừa trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng VinFuture, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết, về Đề án “1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, hướng đến tăng trưởng xanh ĐBSCL” mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức phát động.

“Nếu thành công, đó sẽ là một cuộc cách mạng cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Chương trình này có vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp sắp xếp lại trật tự chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Từ khâu sản xuất lúa, chế biến gạo, đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và đến tận bàn ăn của người tiêu dùng, cả trong nước và quốc tế” - Giáo sư Xuân nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Xuân, điểm yếu cố hữu của sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, là tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn mà chỉ tự tin vào kinh nghiệm. Doanh nghiệp mạnh ai nấy đi kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường, thậm chí là tranh mua tranh bán. Điều này dẫn đến hệ luỵ là khách hàng dựa vào đó để ép giá. Doanh nghiệp biết lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận.

Nông dân, doanh nghiệp đều cần thay đổi

Giáo sư Xuân chia sẻ: “Cách đây hơn 10 năm, các nhà kinh tế của Trường Đại học Harvard đã hỏi tôi vì sao Việt Nam cho trồng lúa nhiều quá. Trồng lúa càng nhiều thì phát thải khí nhà kính càng lớn. Chúng ta đã dư lúa gạo rồi, sao không bớt trồng lúa lại để giảm bớt phát thải. Lúc đó, tôi cũng trả lời với họ là Việt Nam có cách để tăng sản lượng trồng lúa mà vẫn giảm phát thải được. Chúng ta biết rõ phát thải chỗ nào, làm sao để ngăn chặn mà vẫn giữ được diện tích trồng lúa”.

Tuy nhiên, để làm được việc này, theo Giáo sư Xuân, đầu tiên phải hướng dẫn nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa. Từ cách bón phân, chọn giống, gieo sạ đến khi thu hoạch.

“Muốn nông dân theo đúng quy trình phải khép họ vô guồng máy. Cái lợi đầu tiên của nông dân là thay vì tốn 4.000 đồng để sản xuất ra 1kg lúa thì họ chỉ tốn 2.500 thôi. Thêm nữa là không bị tồn dư chất độc trong hạt gạo, giảm khí phát thải mà doanh nghiệp lại truy nguyên được nguồn gốc để tăng giá trị hạt gạo” - Giáo sư Xuân nói.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tìm khách hàng, ký hợp đồng đầu ra. Nếu nông dân đã tham gia hợp tác xã thì tốt, không thì doanh nghiệp tập hợp họ lại và bao tiêu, không sản xuất nhỏ lẻ nữa.

Theo Giáo sư Xuân, làm cách này, nông dân có thể mất 10% diện tích đất, bù lại năng suất tăng lên, có thể trên 10%, chi phí giảm hơn 15-20%, cuối cùng nông dân vẫn có lợi hơn.

Sẽ tiếp tục thống trị thị trường lúa gạo

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, thị trường lúa gạo thế giới ban đầu chỉ có 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Sau này mới đến Ấn Độ tham gia.

Những năm gần đây, gạo Việt Nam vượt mặt Thái Lan nhờ các giống lúa cao sản ngắn ngày như ST24, ST25, OM18… nhưng không xếp vào nhóm gạo trắng để bán với giá thấp vì chất lượng thơm và ngon như gạo dài ngày.

“Việt Nam hiện đang là bá chủ thế giới về loại gạo ngắn ngày, ngon cơm. Nếu không mua gạo Việt Nam, thì khách hàng phải mua gạo Thái Lan với giá cao hơn, nhưng ăn cũng như gạo ST25 của Việt Nam. Đây là một lợi thế” - Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Nhận định tình hình, Giáo sư Xuân cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong vài năm tới, các hiện tượng ElNino, LaNina sẽ tiếp tục hoành hành vùng nhiệt đới nên chắc chắn các quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ sẽ không thể đủ gạo để bán. Trong khi đó, các giống gạo ngon ngắn ngày của Việt Nam có thể cung ứng sản lượng lớn.

“Không chỉ 3 vụ, mà kể cả khi thị trường thế giới cần, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất 4 vụ mỗi năm. Nên chúng ta hoàn toàn tự tin, gạo Việt Nam sẽ còn tiếp tục “thống trị” thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới” - Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn