MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ công bố chương trình vinh danh Vì sự phát triển Dược liệu Việt. Ảnh: Hương Giang

Vinh danh những người bảo tồn, phát triển dược liệu Việt Nam

Thuỳ Linh LDO | 26/09/2023 21:28

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm.

Chiều 26.9, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế, tổ chức lễ công bố chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nước ta có vô số loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.

Trong đó, có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) - đánh giá: "Nói đến y dược học cổ truyền là nói đến dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc. Tuy nhiên ngày nay, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành Hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.

Việc vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn sẽ hình thành chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, góp phần chăm sóc, điều trị, nâng cao sức khoẻ cho người dân".

Chương trình vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn