MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vịnh Hạ Long: Doanh thu nghìn tỉ nhưng vẫn vớt rác bằng tay

Nguyễn Hùng LDO | 05/05/2023 11:08

Quảng Ninh - Trong cuộc “khủng hoảng” rác phao xốp hiện nay, có ngày hàng nghìn người cùng đủ các loại phương tiện cùng thu gom rác từ vịnh Hạ Long cho tới Bái Tử Long nhưng tất cả đều dùng vợt để vớt rác. Việc thu gom rác trên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – nơi mỗi năm tiền bán vé tham quan lên tới cả nghìn tỉ đồng - lâu nay vẫn bằng hình thức thô sơ như vậy.

Vịnh Hạ Long rộng hơn 1.500km2, với 1.969 hòn đảo; trong đó khu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận có diện tích khoảng 434km2 với 775 hòn đảo.

Hiện, việc thu gom rác trên vịnh Hạ Long do 3 công ty thực hiện theo hình thức đấu thầu, nhưng chỉ thu gom ở một số vị trí nhất định, chứ không phải trên toàn bộ vịnh Hạ Long.

Vì thế, nhiều khi cứ vừa vớt xong ở khu vực được giao phụ trách thì rác ở những khu vực khác lại trôi dạt về.

Thu gom rác thủ công trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Nhưng cực nhất, theo những người đi vớt rác, là biển thì rộng mênh mông còn phương tiện thu gom rác chỉ là những chiếc tàu gỗ nhỏ, cũ kỹ cùng những chiếc vợt như vợt vớt cá hoặc gậy có móc... Có những thời điểm rác nhiều vô kể, những người vớt rác dùng vợt xúc mỏi cả tay cũng không hết.

Những chiếc tàu nhỏ đã chật kín rác, phải trở về bờ hoặc chạy đến vị trí tập kết rác, mà rác xung quanh vẫn đầy.

Đại diện một trong những công ty tham gia thu gom rác trên vịnh Hạ Long cho biết, giá trị và thời gian của hợp đồng ký kết thu gom rác trên vịnh như thế nào thì sẽ có kết quả thu gom rác như vậy.

Được biết tổng số tiền thuê 3 công ty thu gom rác trên vịnh Hạ Long mỗi năm chỉ hơn 10 tỉ đồng, trong khi đó hợp đồng ký năm một.

“Giá trị hợp đồng nhỏ, lại chỉ ký năm một thì chúng tôi không dám đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại để thu gom rác. Mỗi cái tàu thu gom rác hiện đại lên tới hàng tỉ đồng mà năm sau không được ký tiếp thì bỏ đi đâu?” – đại diện công ty trên cho biết.

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hợp đồng ký năm một là đúng theo quy định nên không thể làm khác được.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về môi trường, chưa nói về sự bất hợp lý của hợp đồng, mà chi phí bỏ ra để thu gom, xử lý rác thải trên vịnh Hạ Long còn quá thấp so với doanh thu từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long.

Dùng vợt xúc từng cục xốp trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Quỳn

Doanh thu từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long liên tục tăng kể từ sau khi tỉnh Quảng Ninh giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho UBND TP Hạ Long quản lý từ 1.12.2015, cùng với việc thay đổi cách bán vé và lượng khách tăng.

Năm 2016, số tiền thu được từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long là khoảng 728 tỉ đồng - tăng hơn 190 tỉ đồng so với năm 2015.

Năm 2017, lần đầu tiên doanh thu từ việc bán vé tham quan vịnh Hạ Long vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng, đạt khoảng 1.020 tỉ đồng - tăng gần 300 tỉ đồng so với năm 2016.

Trừ những năm bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh thu từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long luôn đạt trên 1.000 tỉ đồng; trong đó, năm 2019 đạt hơn 1.200 tỉ đồng.

Vào mùa cao điểm, có ngày, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thu được từ 5-6 tỉ đồng từ vé tham quan vịnh Hạ Long.

Dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, có ngày tổng số tiền thu được từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long lên tới hơn 5 tỉ đồng.

Vì lẽ đó, ngoài việc ngăn chặn nguồn rác thải đầu nguồn, nâng cao ý thức của người dân và du khách, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc thu gom, xử lý rác thải trên vịnh Hạ Long.

Sau đợt ra quân quyết liệt tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng trái phép trên biển và thay thế phao xốp bằng phao nhựa đạt chuẩn, rác phao xốp dự kiến sẽ giảm hẳn hoặc không còn, nhưng sẽ vẫn còn các loại rác khác.

Nhưng với sự đầu tư và cách thức thu gom rác như hiện nay, việc du khách đi tham quan vịnh Hạ Long tiếp tục gặp rác trôi nổi trên vịnh là khó tránh khỏi.

Trong cuộc đi kiểm tra tình hình thu gom rác phao xốp trên vịnh Hạ Long mới đây, ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cũng yêu cầu, về lâu dài, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải phải nghiên cứu phương án thu gom rác thải trên biển bằng các công nghệ hiện đại, thay vì vớt rác theo hình thức thủ công như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn