MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 1 tuần điều trị, tất cả các bệnh nhân đều đã được ra viện. Ảnh: Hà Anh

Vĩnh Phúc xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm quy mô lớn

Bảo Nguyên LDO | 21/05/2024 15:41

Sau hội nghị trực tuyến về công tác tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 21.5, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Y tế xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 tháng năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, số người mắc tăng hơn 1.430 người (tăng 202%) so với cùng kỳ. Vĩnh Phúc là 1 trong số 4 địa phương xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

Ông Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến sáng 21.5 đã có kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam nhập viện.

"Đã phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu thức ăn, là một trong những tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Kết quả này được tổng hợp từ các nhóm được làm xét nghiệm như: nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước, môi trường, chất thải của bệnh nhân. Loại vi khuẩn này có 2 độc tố chính gây nôn và tiêu chảy. Chúng tôi thấy phù hợp với các triệu chứng của các nạn nhân bị ngộ độc", ông Trung thông tin.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh trao hỗ trợ cho nữ công nhân đang điều trị do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Hà Anh

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, món ăn nghi gây ngộ độc là canh chua giá đỗ, thành phần gồm có: giá đỗ, quả chua me, hành lá, mùi ta. Kết quả điều tra cho thấy, bữa ăn ngày hôm đó, trong quá trình chế biến bị thiếu 6kg giá đỗ nên nhân viên đã mua thêm tại Chợ Vĩnh Yên cho đủ số lượng. Đơn vị đặt rau cung cấp cho bếp ăn có đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lại mua rau ở chợ mà không qua nhà cung cấp. Đây là lỗ hổng, hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trao đổi sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn yêu cầu Sở Y tế tham mưu tỉnh kiện toàn lại Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

Đồng thời xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm quy mô lớn (1.000 bệnh nhân); quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo lĩnh vực quản lý; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn