MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Hà Nội - con chim đầu đàn của phẫu thuật nội soi tại Việt Nam. Ảnh: P.V

Vinh quang Việt Nam: GS-TS Trần Bình Giang, bàn tay vàng ngành phẫu thuật nội soi Việt Nam

Lệ Hà LDO | 29/06/2019 12:56

GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Uỷ viên Ban chấp hành, nguyên Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam.

Ngã rẽ cuộc đời

Trong gia đình không ai nghĩ cậu bé Trần Bình Giang lại đi theo nghề y. Biến cố của gia đình khiến cậu học trò từng đoạt giải 3 văn toàn miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước đã quyết định rẽ ngang không vào học chuyên văn Đại học Tổng hợp ngày đó mà chọn ngành y.

GS-TS Trần Bình Giang kể lại ngã rẽ sang ngành y của mình, gia đình ông có 9 người con, nhưng 5 người đã mất vì đau ốm bệnh tật. Những câu chuyện ngày còn nhỏ được mẹ kể lại làm ông suy nghĩ rất nhiều, bởi sự bất lực của con người trước bệnh tật. Câu chuyện buồn của chị gái tận mắt ông chứng kiến là một nỗi ám ảnh ghê gớm. Chị 5 lần sinh nở, nhưng 3 lần phải chứng kiến cảnh con bị sốt cao, co giật và mất. Một lần chở hai mẹ con chị lên bệnh viện ông đã chứng kiến tận mắt sự ra đi đột ngột của cháu mình, mà không hiểu căn nguyên của bệnh tật. Những ký ức buồn đó ăn sâu vào tiềm thức và ông quyết định sẽ thi vào ngành y.

Ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường cậu sinh viên Trần Bình Giang đã hướng tới chuyên ngành ngoại khoa. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, Trần Bình Giang có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền y học thế giới, đặc biệt là chuyên ngành ngoại khoa. Những lần tới Pháp GS-TS Giang “thích thú” với lĩnh vực ghép tạng. Đặc biệt, tại Bệnh viện Cochin nơi GS-TS Giang được tham gia vào nhóm triển khai phẫu thuật nội soi đầu tiên do GS Bernard Delaitre đứng đầu. Đây là cơ duyên để GS-TS Trần Bình Giang gắn bó với phẫu thuật nội soi.

Những năm sau đó, GS-TS Giang dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu về phẫu thuật nội soi. Ông chính là một trong những bác sĩ đầu tiên của Việt Nam học về phẫu thuật nội soi. Tại Việt Nam, lĩnh vực nội soi còn khá mới mẻ nhưng chỉ sau thế giới 5 năm (ca phẫu thuật nội soi đầu tiên của thế giới là năm 1987) năm 1992 Việt Nam cũng đã tiến hành phẫu thuật nội soi. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của GS-TS Trần Bình Giang.

Ghi danh ngành nội soi vào bản đồ thế giới

Tiếp những năm sau đó, Trần Bình Giang được làm việc với các GS-TS hàng đầu của ngành y của nước nhà như cố GS Tôn Thất Bách. GS-TS Trần Bình Giang tiếp tục nghiên cứu và triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã được học, trong đó phải kể đến phẫu thuật nội soi thượng thận. Tuyến thượng thận nằm rất sâu nên mổ mở rất khó tiếp cận, phải rạch đường rất lớn, chưa kể chỉ cần chạm nhẹ là huyết áp tăng vọt. Vì thế trước đây, mỗi lần mổ tuyến thượng thận là phải chuẩn bị thuốc men, các phương án kỹ càng, vì nguy cơ đứt mạch máu não, gây liệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng với việc áp dụng mổ nội soi, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ là dễ dàng phát hiện khối u và trong quá trình phẫu thuật hoàn toàn kiểm soát được hệ thống mạch máu nên không có biến chứng vốn thường nặng nề và dễ xảy ra của mổ mở. Đặc biệt, thay vì mổ nội soi 3 lỗ, GS-TS Giang chỉ cần phẫu thuật nội soi 1 lỗ. Bệnh nhân ít chảy máu, hồi phục rất nhanh, chỉ 2-3 hôm là ra viện.

Nghiên cứu khoa học của GS-TS Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế từ 2002. Cho đến nay, đã có hàng nghìn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và BV Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận.

Một đóng góp mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam của GS-TS Trần Bình Giang là điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Trước đây, cứ vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ thận là phải mổ. Với lá lách, chỉ hơi vỡ cũng phải cắt vì sợ không cầm máu được sẽ nguy hiểm tính mạng người bệnh. Nhưng rồi, đọc các tài liệu trên thế giới, GS-TS Giang phát hiện ra rằng: Gan, lá lách, thận đều có thể liền được, chứ không cần phải mổ, do đó có thể điều trị bảo tồn. Phát hiện này cực kỳ quan trọng, bởi việc giữ được các tạng rất quan trọng với sức khỏe, nhất là lá lách sản sinh ra các kháng thể chống lại bệnh tật.

Những năm gần đây, GS-TS Trần Bình Giang đi sâu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý chuyên sâu, phức tạp như phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt túi mật, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì…

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã giúp giảm chi phí khám điều trị cho người bệnh, thời gian nằm viện được rút ngắn, bệnh nhân được chăm sóc điều trị kỹ thuật cao ở ngay trong nước. Đặc biệt, phẫu thuật nội soi giúp người bệnh giảm sang chấn, giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau sau mổ, đảm bảo tính thẩm mỹ…

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn