MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm qua (5.11). Ảnh: Minh Tâm

Vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô qua đời: Tiên đã về trời…

Quỳnh Chi LDO | 07/11/2017 18:06

Người phụ nữ sống qua hai thế kỷ, chứng kiến những tháng năm vừa dữ dội hào hùng vừa bình yên, bi tráng của đất nước: Bà Hoàng Thị Minh Hồ - quả phụ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã qua đời. Từ nay, căn nhà rợp bóng cây ở số 34 Hoàng Diệu (Ba Đình – Hà Nội) sẽ vắng bóng bà. Bà quả phụ vang danh thuở nào đã ra đi ở tuổi xưa nay hiếm – với tiếng thơm để lại cho đời khiến hậu thế thốt lên: bà Tiên đã về trời!

Câu chuyện nhiều thế hệ học sinh nằm lòng từng được đưa vào sách giáo khoa, quanh Tuần lễ vàng, chính là chuyện gia đình đại tư sản Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ hiến tặng cách mạng hơn 5.000 lượng vàng - giữa bối cảnh ngân khố quốc gia chỉ còn ít tiền Đông Dương, đa phần cũ nát. Ông Bô qua đời, bà Hồ sống qua 2 thế kỷ, chứng kiến những sự kiện vừa dữ dội vừa hào hùng của đất nước. Những năm tháng cuối đời, bà bình yên bên con cháu, trong căn biệt thự cổ rợp bóng cây xanh, chim hót ở số 34 Hoàng Diệu (Ba Đình – Hà Nội).

Hàng trăm bài viết, ghi chép về tấm lòng vàng và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng đại tư sản Trịnh Văn Bô, đa số nhắc lại câu chuyện mấy nghìn lượng vàng, về căn nhà 48 Hàng Ngang – nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập; về những ngày mùa thu tháng 8... Ít người biết, cùng với hình ảnh một bà quả phụ tài sắc với tấm lòng cao quý, bà Hoàng Thị Minh Hồ cho đến khi ngoài 90 tuổi vẫn dạy con cháu bài học về cách ướp trà với hoa thủy tiên và thường thưởng trà do chính tay mình ướp; vẫn không cần dùng kính mỗi khi đọc sách; vẫn nhớ như in và kể làu làu trăm lần như một những chi tiết của đời sống “trước bốn nhăm”: bao nhiêu tiền một tấc vải, mớ rau; nhà nuôi mấy gia nhân; giao thương với những nước nào…

Mỗi khi tôi đến thăm, bà Hồ thường chỉ duy nhất có một câu hỏi: “Con có mệt không?”. Rồi bà rót trà, vừa nói chuyện, vừa nhìn vào mắt, vừa nắm tay ấm áp. Trong căn biệt thự cổ ở 34 Hoàng Diệu, bà Tiên ấy lặng lẽ sống cùng con cháu, thỉnh thoảng cùng vào bếp chỉ cách cho con dâu nấu một món ăn theo lối Hà Nội cũ xưa.

Bà Hồ lúc nào cũng bận áo gấm, với những màu sắc trang nhã, hoa văn tinh  tế. Trong hàng chục tấm áo ấy, có không ít là những gấm vóc bà giữ lại được từ thời còn là chủ hàng tơ lụa nức tiếng Hà Thành. Khuôn mặt phúc hậu với làn da hồng hào, mái tóc trắng như sương, bà điềm tĩnh đi lại trong căn phòng ở tầng 2, thoảng một mùi thơm quý phái dịu dàng, khiến ai nhìn cảnh ấy cũng ấm lòng, thấy bình yên, yêu mến.

Một đôi lần tôi đến, bà Hồ gửi mang về một củ măng tươi. Bà bảo, đây là măng ở góc vườn nhà. Lại có lần, bà cho tôi vài ấm trà ướp hương sen thơm ngát, cũng chính tay bà ướp. “Sấy bằng chai đồng, chai ấy đổ nước nóng, cuốn thật khéo trà xung quanh. Trà khô từ từ, lại lấy được hết hương sen, gạo sen ngấm kĩ mà thơm mát”, bà nói, tay lại nắm tay tôi.

Nhắc chuyện cũ, bà Hồ như pho sử sống. Tôi cảm như một thước phim quay chậm đang hiện trước mắt mình, ngày tháng 8 mùa thu, từ  những cửa ô, con phố, dòng người ùn ùn kéo về Quảng trường mà nghe giọng Người ấm áp. Tôi lại thấy trong đêm, bà cùng những gia nhân đang cần mẫn may từng tấm áo ấm cho bộ đội. Rồi những ngày bão tố, rồi những phút đoàn viên,…

Hà Nội cuối thu, bà Tiên đã về trời. Nhà 34 Hoàng Diệu rồi sẽ vắng bóng một bà Tiên! Hà Nội cuối thu sao mà lạnh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn