MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con voi nhà bỗng hóa dữ quật chết 1 nài voi ở huyện Lắk. Ảnh: Người dân cung cấp

Voi nhà quật chết nài voi ở Đắk Lắk: Vì đâu voi nhà hóa dữ?

Hữu Long LDO | 23/05/2020 10:30

Môi trường sống bị thu hẹp cùng với việc bị ép làm du lịch khiến số lượng đàn voi nhà tại Đắk Lắk ngày càng suy giảm. Vừa qua, sự việc một con voi nhà hóa dữ quật chết nài voi - như lời chuông báo động trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển đàn voi nhà Đắk Lắk.

Đùn đẩy trách nhiệm

Rạng sáng 22.5, nài voi Y Đrim Kuan (28 tuổi, trú buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lắk) đưa một con voi từ khu du lịch ở hồ Lắk đi tắm thì bất ngờ bị voi quật tử vong.  Sự việc voi nhà tấn công nài voi là điều chưa từng xảy ra tại Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhiều nài voi giải thích rằng, người quản tượng và voi Tây Nguyên bao đời thường có mối quan hệ khăng khít với nhau. Quá trình chung sống, voi và người thường gần gũi yêu thương và rất hiểu nhau. Như trường hợp của nài voi Y Đrim Kuan đã từng sống và chăm sóc chính con voi sát hại mình hơn 4 năm nay.  Vậy nguyên nhân gì đã khiến một con voi nhà hiền lành lại trở tính tấn công nài voi đến chết?

Anh Y Vinh là hậu duệ thứ 4 trong một gia đình có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở huyện Lắk, giải thích rằng, vì cuộc sống khó khăn nên từ lâu, người dân huyện Lắk đều bắt voi nhà làm du lịch. Theo lời Y Vinh, hằng ngày voi nhà lầm lũi đưa hết đoàn khách này đến đoàn khách du lịch khác thăm quan vui thú.

“Ngoài việc bị bắt làm du lịch, voi nhà không có môi trường sinh sống lý tưởng; thiếu không gian “yêu đương”... Dễ nhận thấy đó có thể là nguyên nhân khiến voi nhà hóa dữ” - anh Y Vinh phân tích.

Được biết, con voi tấn công người quản tượng tử vong do ông Nàng Năng Long quản lý (ông Long sở hữu 7 con voi). Ông Long trước đây từng mua bán số lượng voi chủ yếu làm du lịch vận chuyển khách. Về việc này, ông Nguyễn Công Chung - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk - cho rằng, việc người dân quản lý, mua bán voi nhà như trường hợp của ông Nàng Năng Long thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm Đắk Lắk.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Lắk lại cho rằng, theo quy định thì việc mua bán trao đổi động vật hoang dã (có voi nhà) là điều nghiêm cấm. Về việc một cá nhân sở hữu nhiều voi như ông Nàng Năng Long sở hữu 7 con voi có đúng quy định hay không, vị lãnh đạo này giải thích do yếu tố lịch sử (!?)

Bảo tồn bế tắc?

Theo số liệu chưa đầy đủ, từ 502 con vào năm 1980, đến nay Đắk Lắk chỉ còn 44 con voi nhà, trong đó có 19 con voi đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản. Thực tế cho thấy Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk từ khi thành lập cho đến nay được giao nhiệm vụ phát triển đàn voi nhà. Tuy vậy, sau hàng chục năm nghiên cứu, trung tâm này vẫn chưa thể giúp đàn voi nhà Đắk Lắk phát triển.

Nói về hiệu quả của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk - lý giải rằng, trung tâm hiện còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm bảo tồn hoạt động ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng chuyện sinh sản của voi nhà. 

“Dự kiến từ năm 2016-2020, kinh phí trung ương bố trí là 63 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ bố trí 25 tỉ đồng. Bên cạnh khó khăn về mặt kinh phí, Trung tâm bảo tồn voi được hình thành với nhiều mục đích khách nhau như bảo tồn đàn phát triển đàn voi nhà và bảo vệ đàn voi hoang dã” - ông Dương giải thích.

Trong lĩnh vực phát triển đàn voi nhà, ông Dương cho biết, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk thời gian qua cũng tổ chức hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho việc sinh sản. “Năm 2017, 2018 và năm 2020 đều có voi nhà thụ thai thành công, nhưng voi con lại bị chết trong quá trình sinh sản. Nguyên nhân chủ yếu là các voi cái ở Đắk Lắk đều đã quá già...

Về lâu dài, chúng tôi cũng đã kiến nghị về việc hợp tác với một số nước Đông Nam Á hiện có đàn voi lớn. Cụ thể như Thái Lan, chúng ta có thể trao đổi các cá thể voi để có thể tăng thêm cơ hội sinh sản cho voi nhà” - ông Dương thông tin.

Được biết, hiện Đắk Lắk đã xây dựng một vùng rừng sinh cảnh dành riêng cho voi nhà với diện tích 200ha ở huyện Buôn Đôn. Riêng tại huyện Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết vẫn chưa thể xây dựng khu vực sinh cảnh riêng cho voi.

“Từ thực trạng này, chúng tôi đã tính đến phương án mua lại những con voi đang được người dân nuôi, nhưng họ không đồng ý. Đây cũng là điều khó khăn trong công tác bảo tồn” - ông Dương chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn