MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hết quý I/2023, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 10% kế hoạch. Ảnh: An Trịnh

Vốn đầu tư công giải ngân ì ạch, cần chế tài xử lí nghiêm khắc

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 03/05/2023 06:19

Để giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023 là một bài toán nan giải. Đặc biệt trong bối cảnh hết quý I, các bộ, ngành địa phương mới giải ngân được khoảng 10% con số trên. Giới chuyên gia nhận định, cần thiết có tính toán kĩ lưỡng về khả năng hấp thụ vốn đầu tư công.

Giải ngân vẫn ì ạch 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, tính đến hết quý I/2023, ước giải ngân vốn đầu tư công khoảng 73.192 tỉ đồng, mới đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đáng nói, vẫn còn 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được đồng nào. Nhiều địa phương có số lượng dự án giải ngân dưới 5% hoặc thậm chí là giải ngân 0 đồng.

Tình hình giải ngân ì ạch này khiến Chính phủ đang phải mạnh tay vào cuộc đốc thúc. Từ giữa tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã lập 5 Tổ công tác với Tổ trưởng là 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn ở từng cơ quan, địa phương. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong hội nghị giải ngân đầu tư công với 9 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã yêu cầu siết chặt kỉ luật, kỉ cương trong giải ngân vốn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; các đơn vị nhận vốn cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của địa phương mình theo quy định.

Kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các địa phương, đơn vị, dự án có tỉ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các địa phương, đơn vị, dự án có tiến độ giải ngân cao và có tính khả thi.

Theo báo cáo của các địa phương, có một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chưa cao liên quan đến khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, qua kiểm tra thực tiễn, Bộ Tài chính còn chỉ ra rằng, việc phân bổ vốn của một số địa phương có vấn đề.

Cụ thể là phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu năm các địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

Tính toán lại khả năng hấp thụ

Giải ngân vốn đầu tư công luôn là bài toán trăn trở hàng năm và được coi là căn bệnh trầm kha. Giới chuyên gia nhận định rằng cần thiết phải tính toán lại về khả năng hấp thụ để có những kế hoạch chính xác và chi tiết, tránh dẫn tới việc đưa ra kế hoạch rồi lại rơi vào ách tắc. 

Theo ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 khoảng 80 tỉ USD, mỗi năm Việt Nam phải giải ngân 16 tỉ USD. 

“Câu chuyện ở đây là kế hoạch quá cao, sức hấp thụ của nền kinh tế thấp hơn mục tiêu. Chỉ tiêu cao gây sức ép lên toàn bộ hệ thống tài chính, thị trường vốn.

Tiền được hút qua thị trường vốn, trái phiếu Chính phủ, không giải ngân tiếp được sẽ chuyển sang năm sau, và lại tiếp tục hút vốn, đè sức nặng lên thị trường vốn” - ông Nguyễn Minh Cường phân tích, đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cần tính toán lại khả năng hấp thụ vốn đầu tư công của nền kinh tế.  

Trong khi đó, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) - nhấn mạnh trong vấn đề giải ngân đầu tư công, cần tăng cường kỉ luật, kỉ cương hành chính, cần có chế tài xử lí nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lí dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.

Trong một trao đổi gần đây với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, trong quy định hiện nay, để khơi thông dòng vốn đầu tư công, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đó là sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc chẳng hạn như tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lí ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới (như thẩm định thiết kế cơ sở...). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn