MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ 13 mộ liệt sĩ chỉ toàn đất đá: Không tìm thấy xương cốt vì đào quá nông?

Tâm Am LDO | 04/12/2019 15:38

Năm 1968, khi các thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92 đang làm nhiệm vụ chống bão lụt, cứu đồng đội và tài sản của nhân dân thì đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ vỡ, nhiều người đã hy sinh.

Sau hai lần quy tập, đến nay, phần mộ của 13 thanh niên xung phong này đã được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn và ở trạng thái không có tiểu, không có di cốt, chỉ có các túi nilon chứa đất đá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn (bìa trái) cùng đoàn công tác về tìm hiểu về vụ 13 liệt sĩ TNXP các xã huyện Chợ Mới, ngày 4.12.2019. 

Theo nhiều nhân chứng, khi tìm được thi thể, các liệt sĩ đều được an táng trong quan tài, có biển gỗ ghi tên từng người trên mộ. Đồng đội còn vẽ lại sơ đồ mộ chí rất chi tiết.

Ông Tống Văn Minh, người trực tiếp mai táng và vẽ sơ đồ trên đã trả lời phỏng vấn phóng viên Lao Động tại quê nhà của ông là xã Thanh Vận, còn nói rõ độ sâu của các hố mai táng và bản gốc của sơ đồ mộ chí ông đang lưu giữ.

Ngày 4.12.2019, chúng tôi theo đoàn điều tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là ông Phạm Duy Hưng dẫn đầu, đến UBND xã làm việc, ông Minh cũng đã đưa ra các tài liệu trên và cam kết sự thật như trên.

Sơ đồ mộ chí và tài liệu ông Minh vẽ từ hồi mới mai táng các liệt sỹ TNXP.

Tuy nhiên, sau các lần quy tập, đến bây giờ thì 13 mộ liệt sĩ TNXP thuộc đơn vị C933, N92 đã trở thành “vô danh”. Bức xúc trước tình hình trên, từ đề nghị thân nhân của 5 liệt sĩ, từ công văn của cơ quan hữu trách tỉnh Bắc Kạn, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đã chấp thuận với đề nghị lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để xác minh danh tính của 5 hài cốt liệt sĩ TNXP thuộc C933, N22.

Liệt sĩ Đoàn Thị Nga và phần mộ của liệt sĩ được cất bốc về an táng tại quê nhà, thay vì ở nghĩa trang, đến nay di cốt còn nguyên. Khi cất bốc, theo thân nhân, họ đã đào sâu hơn 1m tính từ mặt đất. 

Ngày 23.10.2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã mời nhân thân của các liệt sĩ đến chứng kiến việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang. Bất ngờ thay, sau khi khai quật, trong số 14 ngôi mộ thì 13 ngôi không hề có hài cốt, không có tiểu sành, mà chỉ có túi nilon trong có chứa đất đá bên trong. Tất cả đều choáng váng. Chỉ duy nhất có một ngôi mộ còn nguyên cốt, có tiểu. Bất ngờ hơn là cơ quan chức năng nói rằng không còn lưu hồ sơ về đơn vị nào “quy tập” và gây ra tình trạng nhức nhối lương tâm trên.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này: Lỗi do ai? Đơn vị cá nhân nào đã quy tập các mộ liệt sĩ TNXP kia và vì sao các mộ có quan tài, có hài cốt năm ấy, giờ lại biến thành “vô danh” và chỉ có túi nilon đất đá, không có xương cốt, cũng không có đến cả tiểu quách?! Ai đã dối trên lừa dưới, dối người trần và dối cả những người đã vị quốc vong thân?

Bản thân những cán bộ nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt kể trên, họ bị người được thuê mướn lừa hay họ còn có thủ đoạn nào đó để trục cái lợi nào đó? Vì sao mộ liệt sĩ TNXP cùng đơn vị, cùng ngày hy sinh và cùng giờ mai táng, cùng khu vực an táng kể trên, gia đình quy tập thì rất đầy đủ xương cốt và danh tính, nhưng các mộ còn lại “đơn vị nào đó quy tập” thì chỉ có túi nilon sỏi và không có cả tiểu sành?

Trong quá tình tìm trả lời cho các câu hỏi trên, chúng tôi đã gặp được ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận và ông Tống Văn Minh, nguyên là Bí thư Đoàn thanh niên xã thời kỳ các TNXP kể trên đã hy sinh đang làm việc tại địa bàn xã nhà (sau này ông Minh là Thường trực Đảng ủy xã, tham gia cung cấp tư liệu viết lịch sử Đảng bộ xã Thanh Vận). Hai ông đã đưa ra một nhận định khá thuyết phục, nhất là khi có đoàn cán bộ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn dẫn đầu về làm việc ngày hôm nay 4.12.2019.

Ông Tống Văn Minh trò chuyện với PV Lao Động.    

Rằng, khả năng cao là các hài cốt các liệt sĩ TNXP “vô danh” (đang ở tình trạng không có xương, không có tiểu quách trong mộ) kia vẫn ở đúng tại nghĩa trang cũ. Tức là khi cất bốc, họ không đào đủ sâu để lấy xương cốt, mà đào hố chỉ vài chục cm, trong khi hài cốt nằm trong quan tài ở độ sâu hơn 1m. Vì ông Minh và cộng sự đã mai táng, ông biết rõ độ sâu đó. Và quan trọng hơn, với liệt sĩ TNXP đã được gia đình đem về quê nhà, thì họ đã cất bốc ở độ sâu hơn 1m và đều có cốt rất “đẹp”.

Chúng tôi đã đến gia đình liệt sĩ đã quy tập về nghĩa trang gia đình trên, rồi leo núi viếng mộ liệt sĩ đó, để xác tín điều này. Thêm nữa, hiện trường vẫn còn nguyên: Hầu hết các hố khai quật “được túi nilon và đất đá” đều sâu vài ba chục cm, trong khi hố đã lấy cốt đi và cốt vẫn còn dưới một ở quê nhà thì hố sâu hơn 1m. Điều này trùng khít với nhiều tài liệu mà chúng tôi thu thập được từ phía gia đình nữ liệt sĩ TNXP Đoàn Thị Nga (xã Nông Thượng, huyện Bạch Thông) - là liệt sĩ đã được quy tập từ “nghĩa trang chung” kể trên về khu an táng của gia đình.

Ông Tính đã đưa cán bộ và nhà báo ra tận nghĩa trang, đo các phần mộ sau khi “cất bốc“, hố tìm được cốt rất sâu, hố không được cốt rất nông. Nhiều khả năng, xương cốt các liệt sĩ vẫn nằm nguyên tại vị trí từ lần cất bốc trước! Lý do là "ai đó" đã đào quá nông và không thấy cốt nên "thay thế" bằng túi nilon chứa đất đá? 

Có phải đây là một lối ra cho vấn đề? 

Trước đó, ngày 3.12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Cục Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về việc thông tin hàng loạt mộ liệt sĩ không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.

Bộ LĐTBXH đề nghị Cục Người có công phối hợp cùng Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn kiểm tra và báo cáo sự việc trên về bộ trước 16h ngày 4.12.

Trao đổi với phóng viên chiều 4.12, lãnh đạo Cục Người có công cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía Sở LĐTBXH.

Như Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh, cách đây hơn 50 năm, ngày 9.8.1968, chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận - Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ, khiến 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ hy sinh. 

Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.

Theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 thanh niên xung phong để giám định ADN. Người thân của các liệt sĩ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. 

Tuy nhiên, 13 ngôi mộ không hề có hài cốt, chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất, đá bên trong. Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ, ở dưới những ngôi mộ này cũng không có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn