MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ Ban quản lý toà nhà đánh tráo bát hương: Sự thật ngỡ ngàng

Trần Tuấn LDO | 31/05/2019 07:30

Trực tiếp tìm hiểu, PV Lao Động phát hiện sự thật ngỡ ngàng của việc bát hương toà nhà CT12, Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội bị đánh tráo. Vụ việc này liên quan trực tiếp đến những vấn đề dân sinh tại đây như: Nước sạch, Phòng cháy chữa cháy và những mập mờ trong việc sử dụng tiền quỹ bảo trì…

Trong bài viết trước chúng tôi đã phản ánh câu chuyện hy hữu diễn ra tại toà nhà CT12 (Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông). Theo đó, người dân tại khu vực này vô cùng hoang mang khi đơn vị vận hành, quản lý toà nhà là Cty Tân Hoàng Hà tự ý đánh tráo bát hương tại khu tâm linh chung mà chưa thông qua và nhận được sự đồng ý từ phía cư dân.

Trong khi đại diện Ban quản lý cho rằng thay bát hương vì bị nứt thì phía cư dân khẳng định bát hương không hề bị nứt, Cty Tân Hoàng Hà đã đánh tráo vì “ý đồ khác”…

Vì sao phải đánh tráo bát hương?

Trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động vào sáng 29.5, ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Cty Tân Hoàng Hà (Đơn vị vận hành và quản lý toà nhà CT12) thừa nhận thay bát hương không phải do bị nứt trong biên bản đã ghi trước đó.

Cảnh thầy cúng 9x làm lễ tráo bát hương chiều ngày 10.5. Phần khoanh đỏ là bức tượng Đức Thánh Trần đang bị mất. Ảnh KH 

Ông Hà chia sẻ, trước đó, một nhân viên của Cty có xuống khu vực tâm linh của toà nhà CT12 thì thấy bát hương của toà nhà "không được hợp lý lắm".

“Đợt này phía bên cư dân và Ban quản lý toà nhà cũng xảy ra nhiều vấn đề mâu thuẫn nên tôi suy nghĩ và quyết định phải thay bát hương để cho mọi việc hanh thông hơn”, ông  Nguyễn Văn Hà nói và cho biết sau đó đã thuê 2 thầy cúng về để làm lễ thay bát hương.

Biên bản cư dân lập cùng ban quản trị và ban quản lý tối 12.5 khi phát hiện bức tượng thờ bị biến mất. Ảnh KH 

Giám đốc Cty Tân Hoàng Hà cũng thừa nhận bản thân mình có thiếu sót khi chưa thông qua và xin ý kiến người dân về việc thay đổi bát hương.

Trao đổi với PV báo Lao Động, đại diện cư dân toà nhà CT12 cho biết đúng là phía cư dân và Ban quản lý toà nhà đã xảy ra những mâu thuẫn dai dẳng liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt, Phòng cháy chữa cháy và sử dụng tiền quỹ bảo trì...

Những mâu thuẫn âm ỉ

Theo ghi nhận của PV Lao Động, tại toà nhà CT12 tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt đã diễn ra dai dẳng nhiều tháng qua.

PV đã làm việc với đại diện đơn vị cung cấp nước cho toà nhà là Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông về vấn đề này.

Biên bản thau bể nước của Công ty vận hành với sự chứng kiến của đại diện Công ty nước sạch Hà Đông nêu rõ trong bể ngầm của toà nhà có 1 giàn giáo sắt bị bỏ quên. Ảnh KH 
  

"Chúng tôi khẳng định nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho toà nhà đảm bảo đúng chất lượng theo yêu cầu. Việc có hiện tượng đục ngầu, cặn bẩn thậm chí xuất hiện giun có thể là do quá trình thau, rửa bể nước tổng của phía quản lý toà nhà chưa đúng cách", đại diện Cty Nước sạch Hà Đông nói trong buổi làm việc trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hà, giám đốc Cty Tân Hoàng Hà thì khẳng định: "Chúng tôi tiến hành thau, rửa bể nước tổng định kỳ 6 tháng 1 lần. Việc nước nhiễm bẩn là do nguồn cung cấp từ phía Cty nước sạch Hà Đông. Họ sử dụng nguồn nước giếng khoan dẫn đến tình trạng trên xảy ra tại nhiều khu chung cư ở Hà Đông chứ không riêng gì toà CT12".

This browser does not support the video element.

Nước sinh hoạt tại toà nhà CT12. Clip do người dân cung cấp.
 

Trong khi 2 đơn vị vẫn đổ trách nhiệm cho nhau thì đến thời điểm bài viết được đăng tải, nhiều cư dân toà nhà CT12 vẫn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt như nước cống! 

Về vấn đề hệ thống báo cháy không hoạt động, ông Nguyễn Văn Hà cho biết hệ thống phòng cháy được tiếp quản nguyên trạng từ phía Chủ đầu tư.

"Từ lúc tiếp quản thì hệ thống phòng cháy chữa cháy đã gặp vấn đề trên. Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý, vận hành làm sao có đủ tài chính để sửa", giám đốc Cty Tân Hoàng Hà cho biết nhưng chưa cung cấp được văn bản tiếp quản hiện trạng hệ thống phòng cháy chữa cháy từ chủ đầu tư.

Về vấn đề sử dụng tiền quỹ bảo trì liên quan đến hợp đồng thông tắc bể phốt trị giá 117 triệu đồng mà không thông qua ý kiến cư dân, ông Nguyễn Văn Hà cho biết chỉ nhận uỷ quyền từ phía Ban quản trị toà nhà còn thực hiện thế nào là do Ban quản trị.

"Việc chọn nhà thầu và giá trị thầu do Ban quản trị quyết định. Chúng tôi cũng đã cung cấp hoá đơn gốc cho Ban quản trị để minh bạch với cư dân", ông Hà nói.

Thầy cúng 9x vội vã trả lại 2 trong 3 bức tượng bị mất 

Theo thông tin từ phía cư dân, ngày 13.5 dưới sức ép của cư dân, thầy cúng tên Toàn, sinh năm 1990, cư trú tại Ứng Hoà, Hà Nội đã đưa hai bức tượng Phật di lặc (một bằng đá và một bằng đồng) cho nhân viên Công ty Tân Hoàng Hà để trả lại cho cư dân toà nhà CT12 dưới sự chứng kiến của đại diện Công an phường Phú La. Còn bức tượng Đức Thánh Trần bằng đồng có giá trị nhất trong 3 bức tượng vẫn đang "biệt tăm". Đại diện cư dân đã làm đơn trình báo, cung cấp đầy đủ thông tin và đề nghị Công an phường tiến hành điều tra tìm bức tượng còn bị mất.

Tới ngày 29.5, trao đổi với PV Lao Động, trưởng Công an phường Phú La Trịnh Xuân Hoàn cho biết việc điều tra đánh tráo bát hương và mất tượng phật tại toà nhà CT12 đã tạm dừng do 2 bên (cư dân và Ban quản lý - PV) đã tự thoả thuận. Tuy vậy, đại diện cư dân (những người trực tiếp trình báo vụ việc) và Ban quản lý nói với PV Lao Động rằng họ  không hề nhận được thông báo tạm dừng điều tra và vẫn đang chờ đợi kết luận điều tra từ phía Công an phường Phú La hòng sáng tỏ mọi chuyện.

"Chúng tôi không rõ cư dân thoả thuận với Ban quản lý là ai. Còn tất cả những người phát hiện ra vụ trộm đều không hề biết việc điều tra đã bị dừng. Tại sao Công an Phường không hề liên hệ với những người đã trình báo mà lặng lẽ dừng điều tra?" chị K.H người trực tiếp trình báo vụ việc băn khoăn đặt câu hỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn