MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khò heo nái chết để giả làm bê thui rồi cung cấp cho các quán ăn.

Vụ biến heo chết thành bê thui, giò chả: Lỗ hổng trong công tác kiểm soát heo chết ở trang trại

Nhóm PV LDO | 18/04/2022 08:10

Liên quan đến tuyến bài điều tra “Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả” đăng trên Báo Lao Động, cả chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan đều thừa nhận có lỗ hổng trong công tác kiểm soát heo (lợn) chết tại các trang trại và hộ chăn nuôi hiện nay.

Chi cục Thú y không thể kiểm soát hết được

Quá trình tìm hiểu nguyên nhân heo chết, heo dịch bệnh từ các trang trại có thể tuồn được ra ngoài cho các đầu nậu tiêu thụ, PV Báo Lao Động nhận thấy có lỗ hổng trong công tác kiểm soát của cơ quan chức năng. Lỗ hổng điển hình này là: Khi có heo chết trang trại tự xử lý, mà không cần báo cáo với cơ quan thú y hay chính quyền địa phương để kiểm soát.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai (Chi cục) - cho biết, cơ quan chuyên ngành thú y quản lý công tác kiểm dịch động vật giết mổ trên địa bàn đối với các cơ sở giết mổ được cấp phép, còn các cơ sở không được cấp phép thì thú y chỉ quản lý vấn đề dịch bệnh trên địa bàn. Khi mà xảy ra dịch bệnh thì Chi cục báo cáo về cấp trên để cùng chính quyền địa phương có hướng xử lý.

Hiện nay theo quy định của Cục Thú y là không còn kiểm dịch động vật nội tỉnh, mà chỉ có kiểm dịch khi đi ra khỏi địa bàn tỉnh theo đề nghị của cơ sở chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai công tác kiểm dịch một là tại các điểm trạm địa phương, hai là kiểm dịch tại các cơ sở chăn nuôi, tùy vào cơ sở chăn nuôi sẽ có lịch đăng ký với trạm chăn nuôi thú y và tùy tuyến đường. 

Theo ông Giang, heo từ các cơ sở chăn nuôi đưa ra các trạm để tiến hành kiểm dịch, có kiểm tra lâm sàng, có hồ sơ đăng ký, có tiêm phòng theo quy định thì mới được cho đi. Hiện nay lượng heo xuất trại hầu như là không quản lý được, chỉ có thể quản lý được số lượng về lò mổ. Tại lò mổ thì trước khi tiến hành giết mổ, cán bộ thú y sẽ tiến hành công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra xong mới đưa vào lò mổ.

Do công tác kiểm dịch nội tỉnh không còn, nên việc quản lý heo chết, heo bệnh rất là khó, thú y chỉ đi khi có phối hợp, đề nghị của các đoàn liên ngành.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quy mô chăn nuôi heo rất lớn với trên 2 triệu con. Heo chết vì dịch bệnh thì không nói, mà chỉ tính là heo chết sinh học là khoảng 500 con heo/ngày. Việc xử lý heo chết tại các trang trại là do các chủ trang trại tự quyết, lực lượng cán bộ thú y và chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng liên quan cũng không thể kiểm soát hết được việc xử lý heo chết tại các trang trại này.

Trại chăn nuôi cũng không quản được 100%

Ông Đỗ Văn Trong - PGĐ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết, doanh nghiệp khi xin giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường để chăn nuôi thì bắt buộc phải có lò đốt heo chết. Công ty có lò đốt heo chết, tất cả những con heo nái chết hoặc là heo con chết đều đưa vào lò đốt thành tro, sau đó bỏ tro xuống hố chôn lấp.

Theo ông Trong, đặc thù của trang trại là chỉ nuôi heo giống nên chỉ có heo nái chết hoặc heo con chết, nên số lượng heo nái chết không nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1-2 con. Trong khi đó, ở các trang trại nuôi heo thịt thì số lượng heo thịt chết sẽ nhiều. Theo quy định, khi có heo chết thì trang trại tự xử lý mà không cần phải báo với cơ quan chức năng.

"Khi có trường hợp heo nái chết thì chúng tôi không có báo với lực lượng thú y, trừ khi có bệnh dịch như dịch tả lợn Châu Phi vào cuối năm 2019 thì phải báo cáo cơ quan thú y đến xử lý. Như vậy là chỉ có chết do dịch bệnh thì mới báo, còn chết đơn lẻ thì không có báo" - ông Trong nói.

Theo ông Trong, khi phát hiện heo chết thì công nhân phải báo, khi công nhân phát hiện heo chết thì phải bỏ ra ngay cửa chuồng của con heo đó. Nhiệm vụ của công nhân là chỉ bỏ ra trước cửa chuồng thôi, sau đó nhân viên kỹ thuật phụ trách đến kiểm tra nguyên nhân chết, ghi vô sổ và làm biên bản. Trong biên bản phải có trưởng trại, nhân viên phụ trách kỹ thuật và công nhân cùng ký vào biên bản xác nhận, rồi nộp báo cáo lên ban giám đốc công ty.

Khi PV đặt vấn đề, trong trường hợp các cán bộ và nhân viên này cấu kết với nhau rồi tuồn heo chết ra ngoài bán, nhưng vẫn báo cáo là đã đưa vào lò đốt thì công ty có kiểm soát được vấn đề này không? Về vấn đề này, ông Trong thừa nhận không thể kiểm soát 100% được, vì suy cho cùng những người thực hiện cũng là con người, nên chỉ có thể cố gắng kiểm soát mức tối đa, hạn chế sai phạm mức thấp nhất.

Nói chung, khi xử lý con heo chết thì ngoài công nhân phát hiện heo chết, cán bộ kỹ thuật và trưởng trại ra, khi lập biên bản sự việc, đều cũng có 1 người đại diện công đoàn xuống để  ký vào biên bản. Chúng tôi làm chặt chẽ hết mức có thể, nhưng cái chuyện đó (nhân viên, cán bộ công ty cấu kết bán heo chết ra ngoài - PV) thì tăng cường kiểm soát thôi, chứ bây giờ mà nói kiểm soát được chắc chắn 100% là nói máy móc quá" - ông Trong nói.

Chính quyền địa phương sẽ rà soát lại

Khi PV đặt vấn đề về công tác quản lý và kiểm soát heo chết, heo dịch bệnh tại các trang trại của chính quyền địa phương được thực hiện thế nào trong thời gian qua,  ông Lê Ngọc Tiên - Phó chủ tịch UBND Huyện Trảng Bom (Đồng Nai) - cho biết, chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát được việc xử lý heo chết tại các trang trại hay việc tuồn heo chết từ trang trại ra ngoài tiêu thụ. Thậm chí, khi phát hiện và bắt được trường hợp chở heo chết từ trang trại đi tiêu thụ, lực lượng chức năng yêu cầu đưa heo chết về lại trang trại để xử lý. Tuy nhiên, chủ trang trại nhất định không thừa nhận heo chết đấy là từ trang trại tuồn ra.

"Về quy trình quản lý, kiểm soát thì vẫn có phối hợp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, vẫn không liên tục thường xuyên được. Về vấn đề PV nêu, cái này về phía chính quyền địa phương sẽ rà soát lại các quy định pháp luật để giao cho các ngành có giải pháp để giám sát, quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là các trường hợp heo bệnh, heo chết ở các trang trại đưa ra ngoài tiêu thụ mà không xử lý theo quy định. Khi PV phản ánh như thế, về phía chính quyền địa phương sẽ rà soát lại để có cái khắc phục việc đưa heo ra ngoài, đồng thời cũng tiếp thu ý của PV là kiểm tra qua hệ thống camera thường xuyên và áp dụng các biện pháp theo quy định để quản lý chặt chẽ hơn" - ông Tiên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn