MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số giò chả bẩn này được làm từ thịt heo chết và heo dịch bệnh.

Vụ biến heo chết thành bê thui: Lực bất tòng tâm khi kiểm soát heo chết

Huân Cao - Nam Hiệp LDO | 08/05/2022 15:39

Đồng Nai - Liên quan đến vụ biến heo chết thành bê thui, mặc dù có lò mổ tập trung nhưng vẫn tồn tại nhiều hộ giết mổ heo lậu hoặc đưa heo vào giết mổ tập trung theo kiểu đối phó. Trong khi đó, việc kiểm soát tiêu hủy heo chết tại các trang trại thì cả chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan gần như lực bất tòng tâm.

Đưa heo vào lò mổ tập trung kiểu đối phó

This browser does not support the video element.

Video PS điều tra “Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả”

Liên quan đến tình trạng mổ heo bệnh, heo chết xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được báo Lao Động phản ánh trước đó trong tuyến bài điều tra "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả", bà Đoàn Hoàng Vương Thúy Yên - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, địa phương đã tăng cường kiểm tra công tác giết mổ trái phép trên địa bàn xã. 

Theo bà Yên, từ năm 2019 trở về trước, xã Gia Kiệm là một địa bàn chăn nuôi heo lớn nhất của Đồng Nai. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây thì tổng đàn giảm rõ rệt vì xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Về giết mổ, địa bàn xã Gia Kiệm có 1 lò giết mổ tập trung. Trước đây, khi chưa có lò giết mổ tập trung thì cũng có nhiều hộ giết mổ tự phát ở nhà, nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

"Trước đây heo nhiều, giết mổ lậu cũng nhiều nhưng khi có lò giết mổ tập trung của Gia Kiệm đi vào hoạt động, chúng tôi yêu cầu các lò mổ tự phát đều đưa vào lò mổ tập trung để giết mổ. Hiện nay địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vấn đề mổ lậu trên địa bàn. Chúng tôi cũng vừa xử phạt một hộ giết mổ trái phép" - bà Yên nói.

Thu mua heo chết và giết mổ tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom

Theo đại diện lò mổ tập trung Gia Tân 2 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), hiện lò mổ có công suất giết mổ hơn 400 con heo/ngày đêm. Tuy nhiên, mỗi ngày lò mổ chỉ tiếp nhận vài chục con heo do các hộ trên địa bàn xã mang đến.

"Chúng tôi đầu tư quy mô công suất giết mổ lớn, nhưng số lượng heo đưa vào giết mổ chỉ khoảng 70-80 con heo/ngày nên không đủ chi phí trang trải. Nhiều hộ có nhu cầu giết mổ nhỏ lẻ không chịu đưa heo vào đây giết mổ, mà nếu có đưa vào họ cũng đưa theo kiểu đối phó, kiểu như nhà có 5 con heo giết mổ thì chỉ đưa vào đây 1 -2 con, số còn lại tự giết mổ tại nhà" - Quản lý lò mổ Gia Tân 2, xã Gia Kiệm cho biết.

Lực bất tòng tâm khi kiểm soát heo chết ở trang trại

 Heo nái chết ươn được khò cháy vàng da để biến thành...bê thui

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thống Nhất (Phòng NN và PTNT, tỉnh Đồng Nai) cho biết, rất khó quản lý và kiểm soát heo chết ở các trang trại, nhất là các trạng trại lớn vì họ tự xử lý bên trong nội bộ mà không báo chính quyền hay cơ quan chức năng biết. 

"Nhiều trường hợp giấu, lẳng lặng bán heo chết ra ngoài, khi phát hiện là chúng tôi xử lý nghiêm, vừa rồi trên địa bàn huyện có một số trường hợp như vậy đã bị xử lý. Điểm khó khăn nhất là một số trại lớn họ tự tiêu hủy heo chết trong khuôn viên của công ty luôn, nên lực lượng chức năng không thể kiểm soát được việc tiêu hủy này" - lãnh đạo Phòng NN và PTNT huyện Thống Nhất cho biết.

 Những thịt bẩn này đang hiện diện nhiều nơi để "phục vụ" người dân

Theo lãnh đạo Phòng NN và PTNT huyện Thống Nhất, về công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện thì ngoài Đội kiểm tra liên ngành của thú y vào buổi tối, ban ngày có Đội kiểm tra thực phẩm liên ngành đi kiểm tra ở các chợ. Tuy nhiên, có cái khó hiện nay là chế tài xử phạt giết mổ trái phép, giết mổ không đúng quy định tập trung cao nhất chỉ 7 triệu đồng nên không đủ tính răn đe. Mặt khác chưa có điểm quy hoạch xử lý heo chết. Mỗi lần có heo chết buộc tiêu hủy thì cơ quan chức năng phải liên hệ với Công ty cao su Đồng Nai, hoặc Nông trường cao su để xin 1 vị trí trong lô cao su chôn lắp theo quy trình.

"Theo đúng quy trình khi heo chết thì phải báo cán bộ thú y, lãnh đạo xã và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện vào lập biên bản để tiêu hủy. Do vậy, khi có heo chết, ở các trang trại thường họ không báo vì sợ bị tiêu hủy, nên họ âm thầm qua mặt chính quyền địa phương và cán bộ thú y. Thậm chí, chúng tôi biết có xe tải vào trang trại và chở heo chết ra, nhưng chúng tôi không có quyền kiểm tra. Theo nguyên tắc, chúng tôi bắt là phải bắt quả tang; không được vào bên trong kiểm tra, nên chỉ đứng ngoài canh, mà canh thì cũng không biết gì cả vì xe tải đóng cửa bít bùng, trong khi chúng tôi không có quyền dừng xe tải để kiểm tra thành ra lực bất tòng tâm" - lãnh đạo Phòng NN và PTNT huyện Thống Nhất chia sẻ.

Trước đó, từ ngày 2.4, Báo Lao Động đã khởi đăng loạt bài điều tra "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả", phản ánh thực trạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều lò mổ heo lậu. Trong đó, có nhiều lò chuyên mổ heo dịch bệnh, heo chết rồi chế biến thành bê thui, heo quay, giò chả, heo rừng,... để cung cấp ra thị trường. Tuyến bài cũng phản ánh, tại Đồng Nai có những cơ sở sản xuất giò chả, da bao, giò thủ, nem nướng,... chuyên nhập thịt heo dịch bệnh, heo chết, thịt ươn thối về để chế biến rồi cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Ngay sau khi báo đăng, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai vào cuộc xử lý. Hiện vấn đề Báo Lao Động phản ánh vẫn đang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn