MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ BTV Minh Tiệp bị tố bạo hành em vợ: Cuộc tấn công "ăn theo" tai hại của cư dân mạng?

PLT LDO | 30/05/2018 08:00

Chỉ vài giờ sau khi dòng trạng thái "kêu cứu" của T.D đăng tải, hàng ngàn cư dân mạng đã vào cuộc với mục tiêu "bảo vệ trẻ em", "đưa sự thật ra ánh sáng"... Thế nhưng, phần không nhỏ trong số đó đổ xô đi chỉ trích nhầm người và vô ý tiếp tay "hại"  cô bé T.D.

Cuộc công kích "nhầm" mục tiêu

Trước nhất phải nhắc đến cái nhầm "trực quan". Chỉ 2 ngày sau khi thông tin lan tỏa trên mạng xã hội, những người "chẳng liên quan" như diễn viên Minh Tiệp hay BTV Minh Tiệp của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã "kêu trời" vì bỗng trở thành "kẻ bạo hành trẻ em". Cư dân mạng lao vào công kích, chỉ trích, ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của họ chỉ vì cùng tên. Điều này chứng minh một bộ phận cộng đồng này quan tâm rất nửa vời đến vụ việc, không nghiêm túc. 

Chưa cần rõ thực hư, cư dân mạng hùa nhau công kích cả một đài truyền hình quốc gia. Cụm từ khóa "tẩy chay VTV" xuất hiện tràn lan. Việc VTV không vào cuộc ngay được coi là "bênh vực nhân viên", "trốn tránh trách nhiệm". Trong khi đó, trước một sự việc có ảnh hưởng tới uy tín cá nhân và tập thể như vậy, cần thời gian xác minh, làm rõ trước khi đưa ra thông tin chính thức.

Họ ra sức bình luận, ra sức gây sức ép thậm chí "gây hấn" với BTV Quang Minh khi anh lên tiếng đề nghị mọi người không nhắc đến BTV Minh Tiệp trong một chương trình cho giới trẻ. Cách hành xử của cộng đồng mạng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội dung chương trình, tâm lý ekip và khách mời. 

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: "Đây là hành động bản năng và nhất thời. Người khác chửi, họ cũng phải chửi cho "sang mồm" chứ không xuất phát từ lòng tốt hay tình thương".

Tiếp tay phá vỡ mối quan hệ gia đình em T.D?

Sau khi bạn bè, thầy cô lên tiếng phản bác thông tin từ chị gái thứ hai của T.D cũng như BTV Minh Tiệp: "T.D có thành tích học tập kém, hỗn láo, yêu sớm", ngay lập tức cộng đồng mạng trở nên bức xúc, phẫn nộ với gia đình cô bé. Họ đồng loạt chỉ trích, xúc phạm gia đình này, tiếp tay cho những thông tin bịa đặt về gia đình T.D phát tán rộng rãi.

"Những lời xúc phạm của cộng đồng mạng có thể tác động tiêu cực tới mối quan hệ các thành viên trong gia đình T.D., làm mối quan hệ vốn lỏng lẻo sẽ càng lỏng lẻo, đã xa cách sẽ càng xa cách hoặc dù có đang chặt chẽ cũng ít nhiều rạn nứt. T.D vẫn là đứa trẻ và em cần sống với gia đình. Sự "giúp đỡ" của cư dân mạng lại đang tách em ra khỏi người thân. Đây là điều khủng khiếp với một đứa trẻ!" - chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương cho biết.

Đã từng có những đứa trẻ rơi vào "bi kịch" vì bị tách khỏi cuộc sống gia đình, như Hào Anh. Cậu bé 9 tuổi nhiều lần bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người... được cộng đồng giang rộng vòng tay giúp đỡ với số tiền "khổng lồ" 800.000.000 đồng. Thế nhưng 6 năm sau, Hào Anh lại vướng vòng lao lý vì trộm cắp tài sản. Xã hội cho em tiền nhưng không trực tiếp giáo dục, nuôi dưỡng em trong khi em và gia đình đã nhiều năm xa cách.

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc truyền tải và lan tỏa thông tin. Tuy nhiên, đây chỉ thật sự là sức mạnh có ích cho cộng đồng khi mỗi người hiểu, quan tâm đến vấn đề. Đừng để thói a dua, phong trào gián tiếp hay vô tình biến mình thành "kẻ phạm tội".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn