MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đào Trung Chính- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai. Ảnh: PV

Vụ “Chiếm đất dưới “chiêu bài” phát triển đô thị, du lịch”: Tổng cục Đất đai sẽ kiểm tra các vấn đề Báo Lao Động nêu

THÔNG CHÍ (thực hiện) LDO | 16/06/2018 10:30
Sau khi Lao Động đăng tải loạt bài “Chiếm đất dưới “chiêu bài” phát triển đô thị, du lịch” tại các tỉnh miền Trung, trao đổi với PV Lao Động ngày 15.6, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai - khẳng định, để giải quyết các vấn đề mà Lao Động nêu trên, cần có kiểm tra, rà soát, đánh giá để có các giải pháp xử lý cụ thể.

Báo Lao Động đã phản ánh, tại nhiều địa phương, thu hồi đất nhưng nhà đầu tư bỏ hoang nhiều năm hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác mà không thực hiện hạ tầng như cam kết ban đầu. Về vấn đề này, Tổng cục Đất đai nhìn nhận như thế nào và đâu là giải pháp chấn chỉnh?

- Trước hết, chúng ta cần phải phân tích đâu là nguyên nhân của tình trạng trên thì mới có các giải pháp phù hợp. Tôi cho rằng, có mấy nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, trước Luật đất đai năm 2013 chưa có quy định đầy đủ về điều kiện giao đất để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Thứ hai, nhiều trường hợp địa phương ưu đãi đầu tư đã không thẩm định năng lực nhà đầu tư, các điều kiện để được giao đất; chưa kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm triển khai do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn rất chậm; có nhiều dự án kéo dài hàng chục năm mới bàn giao được mặt bằng cho nhà đầu tư.

Từ các nguyên nhân nêu trên, cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết, khắc phục cũng như chấn chỉnh. Trước hết, các địa phương cần thực hiện đúng các quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013, như: Thẩm định năng lực của nhà đầu tư, thực hiện ký quỹ theo pháp luật về đầu tư để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Triển khai rà soát các dự án đang chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện dự án để có biện pháp xử lý như cho phép gia hạn theo quy định của pháp luật về đất đai để nhà đầu tư hoàn thành dự án hoặc xử lý thu hồi đất,…Trên thực tế, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện công tác này.

Về lâu dài, tôi cho rằng, cần phải làm tốt từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, dự báo sát nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực. Thực hiện việc đấu giá đất để lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chia sẻ hài hoà lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư; tăng cường áp dụng các công cụ tài chính, ví dụ như áp thuế luỹ tiến đối với trường hợp để đất hoang, chậm đưa đất vào sử dụng để ngăn chặn nhà đầu cơ.

Trao đổi với PV Lao Động, nhiều lãnh đạo địa phương thừa nhận, nhiều dự án đất vàng ven biển đã cấp cho doanh nghiệp, cá nhân trước đây nhưng không có dự án, cấp đất không kèm theo điều kiện ràng buộc, thậm chí có hiện tượng chính quyền cấp đất dự án thương mại, dịch vụ cho chủ đầu tư vô thời hạn thay vì 50 năm như luật quy định. Hướng xử lý cụ thể đối với vấn đề này như thế nào?

- Điều 31 Luật đất đai năm 2003 và Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 đều quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp là theo dự án đầu tư. Về thời hạn giao đất đối với từng loại đất đã có quy định cụ thể trong Luật đất đai. Để giải quyết các vấn đề mà bạn nêu trên cần có kiểm tra, rà soát, đánh giá để có các giải pháp xử lý cụ thể đối với từng nhóm vấn đề.

Tại phiên chất vấn trong kỳ họp quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu các giải pháp tổng thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai; trong đó có vấn đề phải rà soát lại tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư để lãng phí, quy hoạch và đền bù cho dân như thế nào để đảm bảo sự công bằng. Việc này, Tổng cục Đất đai, Bộ TNMT đã gửi văn bản tới các địa phương thực hiện việc rà soát này?

- Ngay từ đầu năm 2018, Bộ TNMT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3 tháng 1 năm 2018, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là UBND các tỉnh, thành phố triển khai rất nhiều nhiệm vụ giải pháp.

Cụ thể, yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình thi hành pháp luật về đất đai; chấn chính xử lý khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao việc tổ chức thực thi pháp luật về đất đai; tập trung hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát các công trình dự án sử dụng đất lãng phí, chậm đưa đất vào sử dụng; thực hiện đúng quy định đối với các trường hợp phải đấu giá đất; tập trung rà soát quỹ đất nông nghiệp công ích, đất nông, lâm trường; điều tra khoanh định các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để chủ động bố trí quỹ đất di dời.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp buông lỏng quản lý để đất đai bị tranh chấp, lấn chiếm…Đồng thời Bộ TNMT, Tổng cục Quản lý đất đai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; cử các đoàn thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tới các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Đối với các vấn đề quốc hội chất vấn, chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai việc thực hiện các giải pháp mà bộ trưởng trình bày, báo cáo trước quốc hội, nhân dân và cử tri: Trong đó, đối với những vấn đề thuộc về chính sách sẽ nghiên cứu để hoàn thiện trong quá trình sửa đổi Luật đất đai; đối với vấn đề thuộc về trách nhiệm chỉ đạo điều hành, trách nhiệm thực thi của bộ, địa phương, tổng cục tham mưu để bộ có các biện pháp và chỉ đạo xử lý kịp thời.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn