MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Trần Còn cho biết, giấy yêu cầu bảo hiểm không phải do ông ký. Ảnh: PV

Vụ chìm tàu không được chi trả bảo hiểm: Không đủ điều kiện, tại sao vẫn bán bảo hiểm?

NHIỆT BĂNG LDO | 21/10/2017 13:00

Liên quan đến vụ tàu cá KH 92486 của ngư dân Trần Còn (trú thôn Võ Tánh, xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang) bị chìm nhưng không được chi trả bảo hiểm vì thiếu bằng máy trưởng, bà Võ Thị Mùi (vợ ông Còn) bức xúc cho rằng bảo hiểm đã không sòng phẳng với khách hàng.

Quy định có đề cập đến hợp đồng bảo hiểm

Tại điểm 1, điều 2, quy tắc bảo hiểm thân tàu 15731/BTC-QLBH ngày 29.10.2014 của Bộ Tài chính, nêu rõ: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm của chủ tàu và hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, các sửa đổi, bổ sung (nếu có) là bộ phận cấu thành không thể tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Tuy nhiên, ông Còn phản ánh đã đưa 20 triệu đồng cho cán bộ thủy sản nhưng không có biên lai. Ông Còn cũng không hiểu vì sao khi bán bảo hiểm các bên lại không làm hợp đồng và không yêu cầu ngư dân làm giấy yêu cầu bảo hiểm (hình thức như đơn xin tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67).

“Bán bảo hiểm là loại hình dịch vụ thương mại “thuận mua, vừa bán”, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên phải ràng buộc bằng hợp đồng cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Nếu không làm hợp đồng thì mặt sau của giấy chứng nhận bảo hiểm phải ghi các điều khoản loại trừ để ngư dân biết mà thực hiện. Giờ xảy ra chuyện, họ đem luật ra nói với tôi” - ngư dân Còn bức xúc.

Tại khoản a, g, điểm 1, điều 3 quy tắc bảo hiểm thân tàu: Hồ sơ bảo hiểm phải có giấy yêu cầu bảo hiểm và văn bản xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hỗ trợ theo mẫu quy định tại Thông tư số 115 của Bộ Tài chính. Thế nhưng điều lạ là trong hồ sơ bảo hiểm của ông dù có những giấy tờ này nhưng chữ ký lại không phải của ông mà do ai đó “ký thay” ông.

Đề nghị xem xét hỗ trợ cho ngư dân

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa - cho biết, tại cuộc họp giải quyết sự việc vào ngày 6.10, ông đã đề nghị ngư dân Còn làm đơn cứu xét gửi các đơn vị bảo hiểm và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để được xem xét hỗ trợ, khắc phục khó khăn. “Sở NNPTNT sẽ tổng hợp, để báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Sau khi ngư dân Còn có đơn đề nghị, tôi cũng đề nghị các đơn vị bảo hiểm và các sở, ban, ngành xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho chủ tàu” - ông Chánh cho hay.

Trong đơn đề nghị hỗ trợ tàu chìm nhưng không được chi trả bảo hiểm, ông Còn nêu tháng 9.2015, cán bộ Trạm thủy sản Ninh Hòa đến nhà ông nhận 20 triệu đồng để mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên cho 2 tàu cá (trong đó có tàu KH 92486) và lệ phí gia hạn tàu cá. Điều lạ là dù đã nhận được đơn đề nghị hỗ trợ tàu chìm của ông Còn nhưng khi chúng tôi đề cập đến khoản tiền trên, ông Chánh bảo không biết về khoản tiền này.

Ông Chánh phản bác ý kiến Bảo hiểm Bảo Minh rằng họ nhờ các trạm thủy sản làm đầu mối thu tiền mua bảo hiểm: “Bảo Minh trực tiếp bán thẳng cho ngư dân chứ chúng tôi không làm chuyện đó”. Ông Đào Duy Hoàng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Khánh Hòa - thừa nhận lâu nay các trường hợp tàu cá sau khi gặp sự cố, bị thiệt hại nhưng không đủ điều kiện bồi thường là “nhiều lắm”. Chứng tỏ, công tác tuyên truyền các quy định của Nghị định 67 đến ngư dân do Chi cục Thủy sản thực hiện là thiếu sát sao, không đến nơi đến chốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn