MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

Vụ chùa Ba Vàng: Có thể cấu thành tội lừa đảo đối với bà Phạm Thị Yến

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/03/2019 12:52

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng hành vi của bà Phạm Thị Yến trong việc truyền bá chuyện "vong báo oán" ở chùa Ba Vàng có thể cấu thành tội lừa đảo, xúc phạm vong linh người chết. Thậm chí, có thể xem xét yếu tố phản động.

Sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh hiện tượng truyền bá việc thỉnh oan gia trái chủ, vong báo oán được thực hiện công khai tại chùa Ba Vàng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bà Phạm Thị Yến không phải nhà sư mà lại hành động như vậy là trái đạo, chưa kể việc đưa ra cái gọi là “gọi vong” để “moi” tiền của người dân.

Ông Nhưỡng đặc biệt lên án việc đưa cả những người đã khuất ra để nói về kiếp trước của họ, đây là một sự gán ghép rất tội lỗi, vô đạo, hoàn toàn trái với những điều răn của nhà Phật.

Theo vị ĐQBH này, đối với trường hợp bà Phạm Thị Yến, xã hội cần phải lên án, xử lý. Ở đây, có thể cấu thành tội lừa đảo, vì đã tạo ra lòng tin không có thật để thu tiền. Đó chính là lừa đảo tâm linh, đã vậy còn cưỡng đoạt tài sản bằng cách này cách khác.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lưu ý rằng cần xem xét bà Yến có đồng phạm hay không. Nếu nhà chùa dung túng, cũng bị liên đới trách nhiệm. Còn nếu nhà chùa chỉ đạo làm thì lại đóng vai trò tổ chức, phải xem xét xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương để xảy ra vụ việc này.

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Những gì thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân được pháp luật bảo hộ. Việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi bị pháp luật cấm và sẽ phải xử lý. Trong vụ việc này, trách nhiệm đầu tiên là Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương cần phải vào cuộc xác minh và sớm có câu trả lời chính thức tới dư luận.

ĐBQH Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh tới trách nhiệm vào cuộc của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương. Ảnh: NV

Không chỉ gây bão với phát ngôn về gọi vong báo oán, bà Phạm Thị Yến còn gây phẫn nộ khi đưa nữ sinh giao gà trong vụ thảm án tại Điện Biên ra “làm nhục”.

Chưa dừng lại ở đó, bà Yến còn cho biết các anh hùng liệt sĩ hy sinh, chiến sĩ đánh giặc là bởi bị quả báo, tiền kiếp mắc tội sát sinh nên nghiệp phải trả là sinh ra trong thời chiến tranh, loạn lạc.

Một ĐBQH khoá XIV cho rằng, nếu đúng như báo chí phản ánh, có việc bà Phạm Thị Yến đưa nữ sinh Điện Biên ra để giảng giải về vong báo oán thì đó là một sự xúc phạm vong linh người đã chết. Đây là điều bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu có đủ bằng chứng, gia đình nữ sinh có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Một lãnh đạo cơ quan Trung ương trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp cho biết, việc bà Phạm Thị Yến thông tin không đúng về báo oán các anh hùng, liệt sĩ, có thể xem xét yếu tố phản động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn