MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Tiểu học Bình Chánh nới xảy ra vụ việc.

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Đã có dấu hiệu phạm tội

Kỳ Quan LDO | 09/03/2018 09:39
Ông Ngô Văn Phê - nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An - cho rằng, với những tình tiết đã rõ, có dấu hiệu phạm tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi vụ việc “cô giáo quỳ xin lỗi” cha mẹ học sinh (CMHS) vỡ lở, ông Võ Hòa Thuận - một CMHS lớp 4.3, người cho là đã tác động làm cô Nhung phải quỳ xin lỗi - trước sau vẫn cho là “cô Nhung tự nguyện quỳ” chứ ông không bắt buộc. Ông Thuận cho biết, ông chỉ nói đại ý: Cô bắt học sinh quỳ rất khổ sở, cô thử quỳ cho biết khổ ra sao!

Nhưng theo tường trình của cô Nhung, sáng 28.2, khi cô trên đường lên lớp thì thầy hiệu trưởng và 4 CMHS mời cô về phòng phó hiệu trưởng làm việc. Tại đây, một CMHS (ông Võ Hòa Thuận) hỏi: "Tại sao bắt cả lớp quỳ, cô cho quỳ vậy bao nhiêu lần rồi? Con tôi có lỗi gì hay không mà cho quỳ?".

Cô Nhung và ban giám hiệu thấy hành động của mình sai nên xin lỗi và hứa khắc phục không để tình trạng xảy ra, nhưng phụ huynh nam (ông Thuận) cứ nhắc đi nhắc lại: "Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô có lỗi cô quỳ đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong".

Cũng theo cô Nhung, đến khoảng 9 giờ, thầy hiệu trưởng đi dự giờ và một CMHS ra về thì ông Thuận nói, đã đến giờ và đang chờ cô quỳ. “Thấy tình huống không còn đường lui, bản thân non nớt và để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút", cô Nhung tường trình.

Một nhân chứng xuyên suốt trong câu chuyện là bà Nguyễn Thị Bích Tuyền - Trưởng ban Đại diện CMHS lớp 4.3. Ban đầu, bà Tuyền tường trình giống như ông Thuận, nhưng về sau bà đã thay đổi ý kiến, lời tường trình của bà giống với cô Nhung hơn. Cụ thể, ông Thuận nói: "Cô quỳ là coi như xong chuyện" và liên tục lặp đi lặp lại câu ấy với cô Nhung. Ông Thuận còn nói: "Học sinh quỳ thế nào cô phải quỳ y chang vậy". Lúc cô Nhung quỳ được khoảng 30 phút, có một thầy giáo vào can ngăn, nhưng ông Thuận nói "chưa tới giờ", vậy là cô giáo phải quỳ đúng 40 phút.

Luật gia Ngô Văn Phê.

Chúng tôi đã trao đổi với luật gia Ngô Văn Phê - nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An. Ông Phê cho biết, ông rất quan tâm theo dõi vụ “cô giáo quỳ xin lỗi” ở Bến Lức. Với những tình tiết đã rõ, ông Phê cho rằng đã có dấu hiệu “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:... Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Trong trường hợp này, mức độ phạm tội còn tùy thuộc vào việc cô Nhung có bị ảnh hưởng tâm thần ở mức độ nào hay không?

Cũng theo ông Phê, thủ tục cần thiết là tổ chức nơi cô Nhung công tác (Trường Tiểu học Bình Chánh) hoặc gia đình cô Nhung làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, khi ấy cơ quan điều tra mới xem xét vào cuộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn