MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ dân Tân Tây Đô dùng nước độc: Bất lực nhìn nước sạch chỉ cách dân vài trăm mét

Phạm Dung - Phan Anh LDO | 13/08/2018 11:00

Trước tình trạng nước bẩn tại khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), Sở Xây dựng đã đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty Nước sạch Tây Hà Nội để kết nối nguồn nước sạch cho người dân nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì mà nguồn nước sạch sông Đà vẫn không thể đến với người dân dù chỉ cách vài trăm mét.

Nguồn gốc nước nhiễm asen

Nguồn nước cấp cho đô thị lấy từ trạm cấp nước công suất 9.000m3/ngày đêm đặt ở phía đông thôn Hạnh Đản, sau sẽ bổ sung từ nguồn nước sông Đà. Tuy nhiên, trạm cấp nước trên chưa được xây dựng.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án khu đô thị Tân Tây Đô, ngày 12.8.2010, UBND huyện đã có công văn xác nhận trạm cấp nước công suất 9.000m3/ngày đêm chưa được xây dựng gửi và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường UBND TP Hà Nội xem xét đề nghị cấp phép khai thác nước ngầm, xây dựng trạm xử lý nước sạch 1.200 m3/ngày đêm để phục vụ cho các hộ dân trong khu đô thị.

Trạm cấp nước được khai thác nước ngầm này do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép trong phạm vi diện tích đất được cấp.

Tuy nhiên, trong thời gian cung cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Tân Tây Đô, trạm cấp nước đã được các ngành chức năng thành phố phối hợp với huyện kiểm tra chất lượng nước nhiều lần, khẳng định “chất lượng nước không đảm bảo theo quy định của nhà nước”.

Cho đến thời điểm hiện tại, người dân Tân Tây Đô vẫn ám ảnh vì nước bẩn và độc.

Theo đó, tất cả các mẫu xét nghiệm được tiến hành trong suốt 5 năm qua đều cho kết quả hàm lượng asen gấp 3 lần, amoni 6 lần so với bình thường, chưa kể những thành phần khác.

Đợt kiểm tra của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại khu đô thị Tân Tây Đô ngày 9.11.2017 cũng phát hiện ra nhiều hóa chất chưa có tem nhãn phụ về tiếng Việt được sử dụng trong nước.

 Kết quả kiểm tra nước của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. 

Nước sạch chỉ cách dân vài trăm mét

Trước tình trạng nước bẩn, đến đầu tháng 6.2018, Sở Xây dựng đã đưa ra đề nghị các đơn vị liên quan liên hệ với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để nghiên cứu, thực hiện đầu tư bổ sung đấu nối nguồn cung cấp nước sạch từ hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội sử dụng nguồn nước sạch sông Đà. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện.

Bà Lê Thị Thu, thành viên BQT tòa nhà CT2A-B cho biết: “Đường ống nước của Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội đã chờ sẵn, chỉ đợi kế hoạch đấu nối nhưng tôi không hiểu vì sao cho đến thời điểm này vẫn chưa thể nối nước sạch cho người dân”.

Phía công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội đã có bảng dự toán công trình Xây dựng hệ thống nước cho 14 xã và 1 thị trấn huyện Hoài Đức, Hà Nội – tuyến ống cấp nước DN400, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình cấp nước cho các tòa nhà thuộc Khu đô thị mới Tân Tây Đô (tháng 5.2018).

Bà Thu cũng cho biết, Ban quản trị tòa nhà CT2A-B đã nhiều lần đề nghị được làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để tìm biện pháp đấu nối nước sạch nhưng không được.

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cuộc gặp ba bên gồm chủ đầu tư Hải Phát, phía công ty nước Tây Hà Nội và người dân chúng tôi. Chúng tôi muốn thương thảo rõ xem vấn đề giải quyết như thế nào nhưng họ không đáp ứng điều nhỏ nhoi đó. Họ chỉ họp hành gặp gỡ nhau mà cư dân chúng tôi không hề biết, việc đấu nối đó liệu có vấn đề gì mà đến nay vẫn không thể triển khai”, bà Thu bức xúc.

Cư dân của khu đô thị Tân Tây Đô, những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước bẩn hoàn toàn có quyền được biết những vấn đề vướng mắc khiến họ không thể sử dụng được nguồn nước sạch dù các cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện.  

Trước những như vấn được đặt ra, cư dân có quyền được đặt câu hỏi “Liệu có lợi ích nhóm nào trong vấn đề nước sạch cung cấp cho người dân Tân Tây Đô?”.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn