MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tờ số 1 công văn Sở tư pháp Đồng Tháp (Ảnh: Tràm Chim)

Vụ "giải tỏa siêu tốc ở Đồng Tháp": Không thể là tranh chấp dân sự

TRÀM CHIM LDO | 08/08/2017 10:00
Kết quả làm việc của cơ quan chuyên môn tỉnh Đồng Tháp đã chứng minh cơ quan chức năng TP.Sa Đéc không thể “lấy tay che mặt trời” khi nhận định tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Thoa và Trần Thị Hạnh là tranh chấp dân sự. Bởi nhiều chứng cứ đã lộ diện vụ án mang nhiều dấu hiệu hình sự.

Sư thật không thể chối cãi

Một trong những căn cứ để Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), TAND và Viện KSND TP.Sa Đéc nhận định vụ án mang tính chất dân sự là “nghi vấn” tính hợp pháp của bản Hợp đồng vay tiền (HĐVT) mà bà Hạnh vay của bà Thoa 800 triệu đồng có công chứng của Phòng Công chứng số 2 và tờ Thỏa thuận vay tiền (TTVT) 500 triệu đồng ngày 8.3.2013 mà bà Hạnh vay thêm từ bà Thoa. Cụ thể, tại Công văn số 236/CSĐT (ngày 04.10.2016), đại tá Nguyễn Chí Công - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP.Sa Đéc - cho rằng cả 2 văn bản này chỉ dừng lại ở chỗ thỏa thuận chứ không thể hiện việc có giao nhận số tiền, nên “chưa đủ cơ sở, căn cứ chứng minh việc giữa bà Thoa và bà Hạnh có dấu hiệu hình sự”.

Quan điểm này lại tiếp tục được lặp lại tại Quyết định số 32/QĐ-VKS-KT do Viện trưởng VKSND TP.Sa Đéc Đặng Kim Dung ký ngày 31.10.2016. “Việc Cơ quan CSĐT Công an TP.Sa Đéc ra công văn số 236 xác nhận chưa có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ pháp luật. Nếu bà Thoa có yêu cầu thì khởi kiện vụ án dân sự để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.

Thế nhưng nhiều cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp lại chứng minh đây là vụ án hình sự. Tại Công văn số 378/STP-BTTP (ngày 19.4.2017), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp Lê Phước Lai khẳng định: “HĐVT số 1183 được vào sổ lưu Quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 26.4.2010 do công chứng viên Nguyễn Văn No thực hiện công chứng là phù hợp với quy định của pháp luật”. Cụ thể, HĐVT thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy định tại Điều 2 Luật Công chứng 2006. Mặt khác, đối tượng tài sản vay và nội dung giao kết hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 471 và 474 của Bộ Luật Dân sự 2005.

Trong khi đó, kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Đồng Tháp cho thấy chữ viết và chữ ký trên TTVT là của chính bà Trần Thị Hạnh. “Sau khi thực hiện hàng loạt các phương pháp quan sát, phân tích, đánh giá, so sánh và tổng hợp hệ thống đặc điểm chung, đặc điểm riêng về chữ ký, chữ viết... đặc biệt là trong quá trình giám định có sử dụng phương tiện kỹ thuật chuyên dùng hỗ trợ đã xác định có đủ cơ sở để khẳng định chữ ký và chữ viết trên TTVT đúng là chữ ký và chữ viết của bà Hạnh” - thượng tá Nguyễn Bá Đương - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Đồng Tháp - nhấn mạnh. Điều này như một lời khẳng định: Bà Hạnh có vay 1,3 tỉ đồng của bà Thoa là sự thật không thể chối cãi.

Lật lọng và bao che?

Vì sao có hiện tượng “dân sự hóa” án hình sự? Trong báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ tin tố giác tội phạm (số 102/BC-PC45 ngày 29.5.2017) theo chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Đồng Tháp, đại tá Dương Anh Kiệt - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Đồng Tháp - đã rất chí lý khi phân tích: “Các cơ quan thụ lý chỉ tập trung xoay quanh việc ghi lời khai, trình bày những người có liên quan rồi kết luận mà không làm rõ tính pháp lý của các giấy tờ bên nguyên đơn nêu”.

Ngoài cơ sở pháp lý như đã phân tích ở trên, theo ông Kiệt, trên thực tế lời khai của bà Hạnh - nhân vật chính trong câu chuyện - còn có dấu hiệu của sự “lật lọng”. Tại các biên bản làm việc với cơ quan Công an tỉnh, bà Hạnh thừa nhận có hứa hẹn bán nhà, đất số 32 Đinh Công Tráng cho bà Thoa sau khi làm xong thủ tục hưởng thừa kế từ bà Lai (chị chồng). Thế nhưng, sau khi hoàn thành thủ tục thừa kế nhà đất này thì bà Hạnh lại không giữ đúng lời hứa hẹn, mà bán toàn bộ nhà, đất này cho ông Dương Hữu Khổ. Và để hợp thức hóa câu chuyện này, bà Hạnh đã khai báo theo kiểu “có, nói thành không; không, nói thành có”.

Đối với HĐVT với bà Thoa, bà Hạnh thừa nhận có đến Phòng Công chứng số 2 và có ký vào bản HĐVT, nhưng lại cương quyết không chấp nhận số tiền 800 triệu đồng với lý do: Không đọc lại nội dung HĐVT. Trong khi đó, dù không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh, nhưng bà Hạnh lại khai nhận có vay của bà Thoa số tiền 30 triệu đồng và được Cơ quan CSĐT, TAND TP.Sa Đéc công nhận với lý do không hề có chút lý nào: “Đó là sự tự nguyện”.

Với việc chấp nhận điều này, bà Hạnh và một số cơ quan chức năng ở TP.Sa Đéc đã tự mâu thuẫn với chính mình: Cùng một sự việc, nhưng “hẹp” với người này và “rộng” với người khác. Bởi sau đó cũng với hình thức, nội dung HĐVT như đã ký với bà Thoa, nhưng bà Hạnh và cơ quan chức năng TP.Sa Đéc đã thừa nhận 03 HĐVT trị giá 1,02 tỉ đồng mà bà đã cùng ông Dương Hữu Khổ ký tại Phòng Công chứng số 2 vào các ngày 31.8. 2015; 22.12.2015; 22.6.2016.

Thậm chí, cũng với HĐVT này, nhưng không hiểu sao cơ quan chưc năng TP.Sa Đéc chẳng những không đòi hỏi điều kiện “thể hiện việc có giao nhận số tiền” như đã từng đòi hỏi với bà Thoa, mà còn công nhận cho bà Hạnh hoàn thành việc chuyển nhượng nhà, đất số 32 Đinh Công Tráng (An Hòa - Sa Đéc) cho ông Dương Hữu Khổ ngay trong thời điểm cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đang thụ lý vụ án liên quan đến nhà, đất này? Phải chăng có sự bao che?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn