MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vũ khí ngụy trang của cảnh sát cơ động trong phòng chống khủng bố

HỮU CHÁNH LDO | 28/12/2022 08:49

Với một chiến sĩ cảnh sát cơ động, ngoài vũ khí như súng, đạn dược, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... một thứ vũ khí khác còn quan trọng hơn đó là vũ khí ngụy trang. Để có thể tấn công mục tiêu một cách bất ngờ, táo bạo thì ngụy trang là phương pháp quan trọng nhất, đặc biệt trong công tác phòng, chống khủng bố.

Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố (Quảng Ninh) là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) có trách nhiệm tổ chức, huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng, chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, tham gia cứu nạn, cứu hộ, các tình huống cấp bách và thực hiện nhiệm vụ khác theo chương trình, kế hoạch đã được lãnh đạo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ. Ảnh: Hữu Chánh

Được thành lập từ tháng 2.2022, đến nay, Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố đang trong quá trình trở thành một đơn vị vững mạnh, có kỷ luật, kỷ cương, có khả năng tổ chức đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng, chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm.

Với một chiến sĩ cảnh sát cơ động, ngoài vũ khí như súng, đạn dược, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... một thứ vũ khí khác còn quan trọng hơn đó là vũ khí ngụy trang. Để có thể tấn công mục tiêu một cách bất ngờ, táo bạo thì ngụy trang là phương pháp quan trọng nhất.

Chiến sĩ cảnh sát cơ động hòa mình vào môi trường xung quanh, lặng lẽ tiếp cận mục tiêu mà đối phương không hề hay biết. Tùy thuộc vào địa hình tác chiến sẽ có phương pháp ngụy trang khác nhau để tương thích với môi trường xung quanh.

Ngụy trang bằng bùn đất là phương pháp được sử dụng khi tấn công các mục tiêu được bố trí gần các khu vực gần đồng ruộng, sông ngòi, đầm lầy, bờ biển…
Chiến sĩ cảnh sát cơ động ở trần, được trét bùn lên khắp người để ngụy trang, có thể là bùn trắng, bùn đen tùy theo điều kiện thổ nhưỡng.
Ngụy trang bằng cây cỏ là phương pháp được sử dụng khi phục kích các mục tiêu gần các khu vực đồi núi nhiều cây cỏ. Chiến sĩ cảnh sát cơ động được ngụy trang kỹ đến mức nếu họ không cử động thì rất khó để nhận ra.
Những kỹ thuật ngụy trang trên được vận dụng tới mức điêu luyện đến mức “tàng hình” trước mắt đối phương.
Ngụy trang là phương pháp khá phổ biến trong các hoạt động để che giấu đội hình chiến đấu trước đối phương.
Thiếu tá Hoàng Đình Công - Trưởng ban huấn luyện kỹ - chiến thuật quân sự và tác chiến tổng hợp, Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố - cho biết, trong lực lượng chống khủng bố và lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, việc ngụy trang vào các địa bàn, địa hình như rừng núi, đầm lầy hóa thành cây cối để các đối tượng không thể phát hiện ra.
"Quá trình về nghiệp vụ này đòi hỏi các chiến sĩ phải chịu sự gian nan, vất vả và chịu đựng tốt, thậm chí nằm cả ngày, 'kiến cắn không được gãi', tức là yêu cầu sự bí mật tuyệt đối" - thiếu tá Công cho biết.
Chỉ khi nào có lệnh đánh, các chiến sĩ mới được bật dậy tấn công.
CSCĐ sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm.
Chiến sĩ Trần Mạnh Luân (19 tuổi, Hà Nam) cho biết, thời gian đầu do chưa được tiếp xúc với môi trường huấn luyện, tập luyện cường độ cao nên gặp nhiều khó khăn trong công tác huấn luyện.
"Nhờ sự động viên, dìu dắt của cấp trên và có các bài tập khoa học theo chu kỳ từng giai đoạn, đến thời điểm hiện tại, tôi đã đủ sức khỏe để đáp ứng được nhu cầu học tập, huấn luyện và ra quân hoàn thành nhiệm vụ được giao" - chiến sĩ Luân nói.
Các chiến sĩ thuộc Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố là lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội trong tình hình mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn