MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong số căn nhà được xây trái phép tại vành đai biên giới xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai, Kon Tum).

Vụ lập nhà trái phép để trung chuyển hàng lậu: Thu hồi hộ khẩu cấp sai

ĐÌNH VĂN LDO | 23/08/2017 14:24
Liên quan đến việc lập nhà, dựng lán trại trái phép tại huyện Ia H’Drai, Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo UBND tỉnh kiểm tra. Vụ việc càng diễn biến phức tạp khi huyện Ia H’Drai khẳng định: Đã có một số đối tượng lợi dụng khu vực biên giới... để buôn lậu gỗ. Đáng nói, vành đai biên giới do Biên phòng Kon Tum quản lý... nhưng không thể xử lý dứt điểm.

Công an khẳng định: Sổ hộ khẩu cấp sai

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - ông Nguyễn Văn Hùng - cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, xử lý. Trước đó, các lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an cũng đã thị sát khu vực lập nhà trái phép tại vành đai biên giới huyện Ia H’Drai mà Báo Lao Động phản ánh.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, tại khu vực này có tổng 14 hộ xây nhà, lán trại trái phép. Đã có 9 hộ tự nguyện tháo dỡ, 5 hộ còn lại cố chấp di dời dù cư trú không hợp pháp.

Phó Trưởng CA huyện Ia H’Drai - Trung tá Duy Mạnh Hùng - ký báo cáo khẳng định: “Gia đình đại lý Lê Hồng Hà cùng vợ là Đồng Thị Thừa và 4 hộ còn lại là Lê.C.L, Nguyễn Th.M.H, Trần Th.H Phan Đ.Hg không đủ điều kiện cư trú theo Điều 12, Luật Cư trú 2006; việc cấp sổ hộ khẩu của CA huyện Sa Thầy (khi chưa tách huyện Ia H’Drai) trước đây là sai quy định”. Chưa kể, việc cư trú của gia đình chủ đại lý Hồng Hà còn là bất hợp pháp theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ vì cả chồng và vợ đang thụ án 3 năm tù treo, 5 năm thử thách.

Vi phạm đã vạch rõ, tuy vậy 5 căn nhà “đại lý” của các hộ này vẫn tồn tại một cách công khai. Nguyên nhân, việc quản lý khu vực tại biên giới là thuộc về Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Kon Tum - Đại tá Phạm Cảnh Toàn - bất ngờ: “Chúng tôi chưa nhận được công văn của các đơn vị về việc nói là cấp sai và thông báo thu hồi sổ hộ khẩu của các hộ (lập nhà trái phép) đó. Nếu mà có thông báo thu hồi các sổ hộ khẩu này, thì họ không đủ điều kiện để cư trú do đó, biện pháp xử lý cuối cùng là buộc phải di dời”. Đại tá Phạm Cảnh Toàn cho biết thêm, việc để các hộ dân cư trú tại khu vực biên giới mà không thể xử lý vì họ có “sổ hộ khẩu”. Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai (Kon Tum) Nguyễn Văn Lộc - nhấn mạnh, huyện đang rà soát lần cuối để có hướng xử lý phù hợp.

Lợi dụng biên giới... để buôn lậu gỗ

Tại khu vực biên giới xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai), tình hình buôn bán nông sản diễn ra “sôi động” với phía xã Nhang, huyện Đum Mia, tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã công khai buôn lậu gỗ và thuốc lá. Dù rằng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum nhiều lần chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự nhưng vụ việc... không có dấu hiệu thuyên giảm.

Chính báo cáo số 430 ngày 17.7 của huyện Ia H’Drai chỉ đích danh: “Hiện nay, tình trạng mua bán lâm sản qua biên giới tại khu vực do Đồn biên phòng Sa Thầy, Đồn biên phòng Hồ Le quản lý có dấu hiệu tái diễn. Lợi dụng việc cư dân hai nước biên giới qua lại trao đổi hàng hóa, một số đối tượng đã ra vào khu vực để buôn lậu gỗ”. Thừa lệnh tỉnh, huyện Ia H’Drai đề nghị hai Đồn biên phòng trên chấn chỉnh công tác tuần tra, kiểm tra người và phương tiện qua lại các lối mòn, ngăn chặn và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn lậu gỗ qua biên giới. Kiên quyết đưa ra khỏi biên giới đối với các trường hợp có tiền án, tiền sự đang cư trú tại khu vực.

Đáng nói, các căn nhà gắn mác “đại lý” được xây trái phép không bị tháo dỡ nên tình hình buôn lậu vẫn còn... tiếp diễn. Một số hộ đưa các đối tượng máu mặt từ tỉnh, thành khác ở ngay trong chính các căn nhà này để chống đối, thách thức chính quyền. Với sự vào cuộc của Tỉnh ủy, Bộ Công an... những căn nhà này không thể không xử lý, bởi lẽ nếu để tồn tại thì vấn nạn buôn lậu rõ ràng vẫn còn đất sống.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Đal, mỗi ngày, một hộ lập nhà trái phép buôn bán từ 100-120 tấn mỳ lát khô, thu nhập bình quân sau thuế và cước phí vận chuyển về Cảng Quy Nhơn (Bình Định) từ 7-10 triệu/ngày. Chỉ với 6 tháng mùa khô, lợi nhuận thu về trên dưới 1,8 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn