MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chóng trở về bên mẹ mình sau 33 năm ngỡ đã hi sinh. Ảnh: TL

Vụ "liệt sĩ" trở về sau 33 năm: Thu hồi giấy báo tử

Trần Tuấn LDO | 24/05/2018 09:08
Sau 3 tháng xác minh, Bộ Chỉ huy quân sự TP.Cần Thơ đã quyết định thu hồi giấy báo tử của ông Trương Văn Chóng (58 tuổi) - người đột ngột trở về sau 33 năm được xem là liệt sĩ.

Theo đó, Bộ Chỉ huy quân sự, Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ, UBND huyện Thới Lai vừa đến nhà bà Huỳnh Thị Nía (mẹ ông Chóng, ngụ ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) để trao quyết định thu hồi giấy báo tử đối với ông Trương Văn Chóng.

Sau khi nhận được thông tin về “liệt sĩ” Trương Văn Chóng còn sống trở về địa phương sau hơn 33 năm đã báo tử, Bộ CHQS TP.Cần Thơ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xã Định Môn và xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh (nơi ông Chóng đang tạm trú); đồng thời đến Sư đoàn 5/QK7 (đơn vị quản lý ông Chóng trước đây) và Trung đoàn Đồng Nai thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai để xác minh làm rõ nhân thân, hoàn cảnh gia đình của thân nhân, quá trình phục vụ tại ngũ của ông Chóng tại các đơn vị. 

Qua xác minh, ông Trương Văn Chóng sinh năm 1965, nguyên quán ấp Định Hoà, xã Định Môn, huyện Ô Môn, tỉnh Hậu Giang (nay là xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ). Ông Chóng nhập ngũ đợt 1 năm 1983. Đơn vị đầu tiên nhập ngũ là Sư đoàn 868 (huấn luyện chiến sĩ mới) tại Đồng Tâm, Tiền Giang. Sau 2 tháng được biên chế cho Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 5, Quân khu 7, đóng quân tại Campuchia, cấp bậc binh nhất, chức vụ chiến sĩ. 

Theo giấy báo tử, ông Chóng hy sinh năm 1985. Giấy báo tử số 1286/QP 91 do Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang ký ngày 3-9-1991 và được công nhận là liệt sĩ thuộc diện mất tin, mất tích. Cơ quan chức năng đã cấp bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 248/T.Tga ngày 26-5-1993. Bằng số DI-183bt do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-5-1993. Người nhận trợ cấp hàng tháng là mẹ ruột Huỳnh Thị Nía.

Qua xác minh, trong lúc làm nhiệm vụ trên nước bạn Campuchia, ông Chóng bị thương và thất lạc đơn vị. Sau đó được người dân bên đấy nuôi dưỡng (ông Chóng không nhớ rõ thời gian, địa điểm, tên người nuôi dưỡng). Thời gian sau, ông Chóng đã lập gia đình với người phụ nữ Khmer. Thời gian sau, ông Chóng bỏ đi Biển Hồ sinh sống, có vợ khác và được 3 người con (2 gái, 1 trai). Đến năm 2011, ông Chóng đưa vợ con về sống tại tổ 2, ấp 7, xã Suối Dây cho đến nay. 

Qua tìm hiểu được biết, lý do ông Chóng không trở lại đơn vị sau khi bị thất lạc vì lúc đó bị thương ở trong phum của người Khmer và đang trong lúc lính Pôn Pốt tìm giết, nên sợ không dám xuất hiện, sau đó thất lạc đơn vị. Dịp đầu năm 2018 vừa qua, ông Chóng tìm về gia đình trong sự ngỡ ngàng của người thân, hàng xóm và chính quyền địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn