MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đoàn bên mộ của liệt sĩ Đoàn Thị Nga tại nghĩa trang gia đình. Ảnh: Tâm Am

Vụ mộ liệt sĩ toàn đất đá ở Bắc Kạn: Lời kể sửng sốt của thân nhân liệt sĩ

Tâm Am LDO | 05/12/2019 14:51
Ông Tạ Viết Đoàn (xã Nông Thượng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), là cháu của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, vẫn chưa hết sửng sốt khi biết thông tin 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong được quy tập tại Nghĩa trang tỉnh Bắc Kạn (Nghĩa trang Bạch Thông) không có hài cốt mà chỉ chứa nylon gói đất đá.

Ngôi mộ thứ 2 và... vô danh

Nữ liệt sĩ Đoàn Thị Nga (xã Nông Thượng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), sinh năm 1947, mất ngày 15.7 âm lịch năm 1968, là một trong số 13 liệt sĩ đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại đập Tân Minh (xã Thanh Vận- huyện Chợ Mới).

Ông Tạ Viết Đoàn và toàn thể gia đình ông không mảy may biết là có một ngôi mộ khác của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, nằm cùng dãy 12 ngôi mộ khác của các liệt sĩ thanh niên xung phong, đều gắn bảng vô danh trên nghĩa trang Bạch Thông. Cho đến khi...

"Vô tình xem trên truyền hình, tôi nhận thấy tại nghĩa trang Bạch Thông có 13 ngôi mộ của liệt sĩ thanh niên xung phong, trong đó có mộ của dì tôi là bà Đoàn Thị Nga. Mà trong mộ lại toàn nylon bọc đất đá. 

13 ngôi mộ trên nghĩa trang Bạch Thông lấy lên toàn túi nylon đựng gạch đá như vậy là quá vô lý. Năm 1973, gia đình tôi đã đưa hài cốt dì tôi về rồi, sao lại có mộ ở nghĩa trang Bạch Thông? Năm nào thắp hương, tôi cũng chỉ lên thắp hương ở mộ của dì tôi ở nghĩa trang gia đình chứ không hề biết là có một ngôi mộ trên nghĩa trang Bạch Thông"- ông Đoàn khẳng định. 

Cơ quan chức năng phát hiện đất đá trong mộ liệt sĩ. Ảnh: Tâm Am
 
Mộ liệt sĩ toàn đất đá tại nghĩa trang Bạch Thông. Ảnh: Tâm Am 
Tên liệt sĩ Đoàn Thị Nga có trên bia tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Tâm Am 
Di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, đang thờ phụng tại nhà ông Đoàn. Ảnh: Tâm Am 

"Tôi thấy vô lý quá, vì tôi đã cùng gia đình đưa dì tôi về nghĩa trang gia đình năm 1973, đủ hết hài cốt. Cả chính quyền địa phương đều biết. Ngôi mộ của dì tôi, hài cốt của dì tôi là gia đình đang quản lý tại nghĩa trang gia đình. Năm nào thắp hương, tôi cũng chỉ lên thắp hương ở mộ của dì tôi ở nghĩa trang gia đình"- ông Đoàn nói. 

Bố đẻ liệt sĩ chính tay chôn cất con, cất bốc mang hài cốt về

Nhớ lại về lần quy tập mộ liệt sĩ Nga về nghĩa trang gia đình, ông Đoàn kể lại: "Năm đó tôi 12 tuổi, cùng ông ngoại tôi là bố liệt sĩ, cùng anh trai của liệt sĩ và ông anh gọi liệt sĩ bằng cô, 4 người chúng tôi đi xe đạp vào xã Thanh Vận, qua cánh đồng, lên một chân đồi thoai thoải, chỉ có cây cỏ cao bằng ngang đầu tôi, mộ của dì tôi được phát quang, vì hàng năm, ngày 3.3, ông tôi vào thắp hương, phát quang.

Sau khi ông tôi thắp hương, chúng tôi bắt đầu đào, ông ngồi khấn, chúng tôi đào. Đào 60 phân thì thấy ván thiên, chúng tôi nạo vét đất lên, thấy nắp bị mục, lấy xương lên, rửa rồi gói vào nylon mang về chôn cất tại nghĩa trang".

Lúc đó, theo ông Đoàn nhớ lại, khu vực an táng các nữ thanh niên xung phong có khoảng trên dưới chục ngôi mộ, một số ngôi mộ đã được cất bốc trước đó, chỉ còn hố sâu. 

Ông Đoàn trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tâm Am 

Khi nghe tin con gái hy sinh, người cha luống cuống, không biết làm thế nào. "Ông tôi và cậu tôi đi bộ vào hồ Tân Minh, nơi dì tôi hy sinh, khoảng 13 cây số, cùng các cơ quan ban ngành đoàn thể nhận thi thể của dì tôi chôn cất rồi mới về. Ông ngoại tôi - bố đẻ  liệt sĩ - đã chính tay chôn cất con, cũng chính tay mang hài cốt của con về gần gia đình"- ông Đoàn rưng rưng nói. 

Trước sự việc 13 ngôi mộ liệt sĩ không có xương cốt, thậm chí không có tiểu, chỉ toàn đất đá bọc trong túi nylon, ông Đoàn quá sốc. "Nếu họ quy tập mộ liệt sĩ, không thấy hài cốt thì thôi, đằng này lại cho đất đá vào thì đáng sợ quá. Nếu là hài cốt, thì phải có đất đen, đằng này toàn đá, gõ keng keng thì không đúng. Tôi thấy rất buồn"- ông Đoàn nói. 

Nhớ lại ký ức về người thân liệt sĩ, ông Đoàn xúc động nói: "Tôi còn nhớ hết về dì tôi, vì ông bà ngoại nuôi tôi từ bé, tôi sống cùng ông bà, cùng dì từ bé cho đến khi dì đi thanh niên xung phong. Hàng tháng, dì tôi đi bộ ra chợ Bắc Kạn khoảng 2 lần, ngủ qua đêm xong mới vào đơn vị. Dì tôi rất hiền, rất xinh xắn, tóc dài, đen, thắt bím 2 bên".

Liệt sĩ Đoàn Thị Nga, hy sinh năm 21 tuổi, khi ấy, liệt sĩ còn chưa lấy chồng. "Ông bà tôi vô cùng đau xót, ông chỉ ngồi khóc. Nghe tin dì tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, ông tôi lập tức đi bộ 13 cây số đến xã Thanh Vận để nhận thi thể và chôn cất. Giờ ông bà tôi cũng đã mất"- ông Đoàn bồi hồi nhớ lại. 

This browser does not support the video element.

Ông Đoàn trả lời phóng viên báo Lao Động. Thực hiện: Tâm Am

Cách đây hơn 50 năm, ngày 9.8.1968, chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận - Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ, khiến 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ hi sinh. 

Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.

Theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 thanh niên xung phong để giám định ADN. Người thân của các liệt sĩ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. 

Tuy nhiên, 13 ngôi mộ không hề có hài cốt, chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất, đá bên trong. Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ, ở dưới những ngôi mộ này cũng không có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn