MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số tài xế xe buýt chia sẻ về các "chiêu trò" trốn vé của "thượng đế". Ảnh TK.

Vụ nữ tiếp viên xe buýt bị đình chỉ: Lái xe bóc mẽ “chiêu trò” trốn vé

Trần Khanh LDO | 14/09/2019 18:36
Liên quan đến việc nữ tiếp viên xe buýt Nông Thị Hải Yến bị công ty ra quyết định nhắc nhở vì khách “quên” mua vé, theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp trốn vé trên các tuyến xe buýt tại TP Hồ Chí Minh diễn ra với với đủ thứ chiêu trò. 

Trước đó, ngày 12.9, trên mạng xã hội xôn xao vụ việc nữ tiếp viên xe buýt số 150 (tuyến Tân Vạn-Chợ Lớn) bị công ty tạm đình chỉ công việc do để khách lên xe mà không mua vé. 

Nữ tiếp viên bị nhắc nhở do khách “quên” mua vé. Ảnh BD. 

Ngày 14.9, trao đổi với phóng viên, anh Trần Ngọc Lợi (tài xế tuyến Bến Thành-bến xe miền Tây) cho biết: “Chuyện khách trốn vé xảy ra như cơm bữa, tầm tuổi nào cũng có. Những khách cố tình trốn vé thường tìm chỗ khuất và cuối xe để ngồi, sau đó tìm nhặt vé cũ của chuyến trước, rồi đưa cho tiếp viên xem. Nếu bị phát hiện thì họ nói là quên, còn sơ suất thì coi như đã mua vé”.  

Đồng thời, nam tài xế cũng cho rằng khó kiểm soát nhất là lúc khách ồ ạt lên xe, do là giờ cao điểm đông khách nên mọi việc đều diễn ra nhanh chóng. Lúc này tiếp viên rất khó nhớ hết khách vừa lên ngồi chỗ nào, chỉ nhớ theo đầu người bước lên và đi tìm để bán vé. 

Mặc dù có thông báo rõ ràng về việc mua vé khi lên xe, nhưng một số hành khách vẫn “quên” chấp hành. Ảnh TK. 

Chị Nguyễn Thanh Ngọc (tiếp viên chuyến Chợ Lớn-Biên Hòa) nói: “Lương mỗi tháng chỉ được 7-8 triệu đồng, nhưng họ trốn vé có mấy ngàn mà làm chúng tôi bị ăn phạt 1-2 triệu, nhẹ thì bị nhắc nhở. Trong khi đó, con cái đang tuổi ăn học, bị phạt là đói luôn”.

Theo anh Lê Minh Hòa (tài xế tuyến Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm), lạ lùng hơn khi có những người có được cuống vé, họ cắt gọn gàng rồi tiếp tục đi các chuyến khác. Ngoài ra, một số người còn mượn vé tháng của người khác để đeo trước ngực, nhưng chèn hình ngôi sao hoặc hạc giấy để che hình ảnh, nhằm qua mặt tiếp viên.

Nhiều hành khách có được cuống vé, sau đó cắt gọn gàng để sử dụng tiếp. Ảnh TK.

“Buồn nhất, chính là việc một số đối tượng cắt đôi tiền thật để dính với tiền giả, rồi lợi dụng trời tối hoặc lúc đông khách để đánh lừa tiếp viên. Gặp chuyện như vậy, coi như cả ngày đi làm không công” – tiếp viên xe buýt số 102 (tuyến Bến Thành-bến xe miền Tây) cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Minh Phước – Quản lý bến xe buýt Bến Thành (quận 1) cho biết, khi phát hiện hành khách đi xe không mua vé, đơn vị sẽ tiến hành lập biên bản, xem xét hành vi và yêu cầu tiếp viên làm giải trình. Sau đó, công ty trích xuất camera để phân tích thái độ của tiếp viên và lái xe lúc khách bước lên xe, nhằm đưa ra hướng xử lý thích hợp nhất.

Trên mỗi xe buýt đều có camera giám sát. Ảnh TK. 

Bên cạnh đó, theo vị quản lý này, trường hợp lái xe và tiếp viên cùng thông đồng thu tiền của khách nhưng không đưa vé đã từng nhiều lần xảy ra. Khi phát hiện ra, thanh tra công ty tiến hành kiểm tra, lúc này tiếp viên mới xé vé đưa cho khách. Hàng ngày, có rất nhiều khách đi xe buýt, nếu đơn vị quản lý không chặt sẽ ảnh hưởng đến cả tập thể.

Ông Phước cũng khẳng định, mọi sự việc bất thường trong đơn vị đều được xử lý theo quy trình, đảm bảo quyền lợi cho người lao động nên không có chuyện đình chỉ hay đuổi việc bừa bãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn