MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh chụp đoạn phim phụ huynh đòi quần cho con gái trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip.

Vụ phụ huynh đòi quần, mắng thầy xa xả: Trái đạo lý và phạm luật

QUANG ĐẠI LDO | 05/12/2018 19:00

Mạng xã hội đang xôn xao với video clip ghi lại sự việc một nữ phụ huynh đến trường gặp thầy giáo đòi lại cái quần của con mình đã bị thầy vứt vào sọt rác.

Theo tin từ Trường THCS Trần Huỳnh (phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), tại đây có diễn ra sự việc một phụ huynh gặp thầy giáo đòi lại cái quần của con gái, vụ việc được quay clip rồi tung lên mạng xã hội.

Được biết, nhà trường đã làm báo cáo gửi UBND phường 7 và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Bạc Liêu để xin ý kiến chỉ đạo.

Theo nội dung đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội, vào sáng 30.11, một nữ sinh mang bọc chứa quần đen để trong ngăn bàn. Đến chiều, các bạn lớp khác vào học phát hiện cái bọc nên mang để trên bàn giáo viên. Thầy HVK – giáo viên bước vào lớp thấy và mang đi vứt vào sọt rác.

Vào chiều 3.12, mẹ học sinh nói trên lên trường gặp thầy K để đòi lại cái quần. Mặc cho giáo viên (GV) giải thích, phụ huynh này yêu cầu thầy phải tìm lại quần hoặc đền tiền. Phụ huynh đã lén quay lại đoạn phim có nội dung trao đổi với GV và tung lên mạng xã hội.

Vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ trong cộng đồng. Nhiều ý kiến đã phê bình, chỉ trích gay gắt hành vi thiếu tôn trọng GV của vị phụ huynh nói trên và chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh của thầy giáo.

Thầy Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn-Hà Tĩnh, khẳng định hành vi của phụ huynh là trái đạo lý. “Việc GV đem cái quần đó vứt vào sọt rác là không có gì sai. Còn phụ huynh đến đòi quần, có những lời lẽ xúc phạm GV, rồi quay clip tung lên mạng xã hội là hành vi trái đạo lý”, thầy Vỵ nói.

Thầy Trần Ngọc Hà, GV THTP ở Nghệ An, nói: “Tôi thực sự sốc trước clip nói trên. Thật đáng buồn vì một chuyện cỏn con mà phụ huynh cũng xúc phạm GV”.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Thái Bình Dương-Văn phòng Luật sư Lê Trần (Nghệ An) nói: “Theo Bộ Luật Dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Hành vi quay lén cá nhân rồi tung lên mạng xã hội làm ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm người đó là vi phạm pháp luật”.

Theo LS Dương, GV trong vụ việc nói trên có thể khởi kiện người đã quay clip và tung lên mạng xã hội làm ảnh hưởng danh dự, uy tín.

Khoản 3, Điều 307, BLDS 2005 quy định: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn