MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các xe tải chất đầy quặng chuẩn bị cho xuống thuyền ở Lào Cai để xuất lậu qua biên giới sang Trung Quốc. Ảnh cắt từ clip

Vụ quặng lậu vượt biên: Vẫn tiếp tục di chuyển, xóa dấu vết

TIẾN DŨNG LDO | 29/11/2018 07:40
“Việc hàng nghìn tấn quặng lậu vượt biên bằng đường sông qua biên giới mỗi đêm là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên quốc gia, thất thu ngân sách, gây mất ANTT khu vực biên giới, cần phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của các loại quặng này, xem xét vì sao quặng lậu không có cánh mà vẫn bay được đến khu vực biên giới và số quặng lậu hiện nay đang ở đâu, trên cơ sở đó xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền Lào Cai và các cơ quan chức năng trên địa bàn” - ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

Quặng lậu tiếp tục di chuyển

Sau thông tin báo Lao Động phản ánh, quặng lậu tại xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) tiếp tục di chuyển khỏi các kho hàng. Ghi nhận vào đêm 26, rạng sáng 27.11, hàng chục xe tải vẫn vào các kho lấy hàng, di chuyển đến các kho mới nằm cách xa địa bàn. Cụ thể, một số lượng lớn quặng lậu đã được di chuyển về kho gạo ở kilômét số 13 thuộc xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), số còn lại tiếp tục di chuyển lên khu vực sau chợ Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) và được che đậy cẩn thận bằng bạt. Ngoài ra, một số lượng lớn quặng cũng được chở về kho An Nghiệp, được để tận cuối kho và ngụy trang bên trong bởi những đống sắn sấy khô.

Theo người dân địa phương, một trong những ông trùm của những kho quặng lậu này tên Đông. Người này đã buôn bán quặng lậu rất nhiều năm trên địa bàn. Để những chuyến quặng lậu vượt biên giới như vậy, Đông trực tiếp đứng ra “quan hệ”, sau đó thuê xe chở quặng đến các bến ven sông Nậm Thi xuất hàng.

Người dân địa phương cũng cho biết, không phải ngẫu nhiên mà hoạt động buôn lậu quặng diễn ra công khai như vậy. Điển hình nhất, khi Lao Động đăng tải thông tin về hoạt động buôn lậu quặng trên địa bàn, ngay lập tức các chủ hàng chỉ đạo “xả hàng” ngay để chống đối.

Cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau

Trao đổi với báo Lao Động, ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cho biết: Ngay sau khi báo Lao Động đăng tải vụ việc, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế hiện trường và một số kho bãi ven đường quốc lộ 4D. Qua kiểm tra phát hiện một kho bãi có chứa hàng nghi là quặng và lấy mẫu giám định.

Theo ông Giang, có việc buôn lậu xảy ra là đáng tiếc. Ngành công thương cũng có một phần trách nhiệm trong việc này. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương. “Hiện nay chỉ có 13 doanh nghiệp được xuất khẩu quặng, nhưng duy nhất chỉ quặng sắt mới được xuất, còn các quặng khác thì bị cấm hoàn toàn. Việc xuất lậu quặng đồng, chì, than và đất hiếm... qua biên giới như vậy là hoàn toàn sai quy định” - ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, trước đây, chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương thì trách nhiệm để xảy ra việc quặng lậu vượt biên trái phép là của người đứng đầu ngành công thương của tỉnh. Tuy nhiên, bây giờ Quản lý thị trường không thuộc Sở Công Thương nên trách nhiệm này thuộc về Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, mà ở đây cụ thể là Cục trưởng Cục quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, còn Tổng cục phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ông Giang nhấn mạnh: Quặng là hàng hóa mua bán có điều kiện, các đơn vị mua bán, xuất khẩu quặng qua lối mòn, lối mở đều là bất hợp pháp. “Việc quản lý nhà nước về khoáng sản trách nhiệm của cơ quan cấp phép chính là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương có liên đới vì không quản lý được khối lượng hàng hóa sản xuất, di chuyển, xuất lậu, đó là trách nhiệm quản lý sản xuất của chúng tôi” - ông Giang thừa nhận.

Cũng liên quan đến vụ việc, trao đổi qua điện thoại với báo Lao Động, ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), cho biết: Hoạt động buôn lậu quặng diễn ra từ lâu, tuy nhiên tôi mới về nhận công tác tại xã nên không nắm được. Nói về trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn, ông Tuấn thừa nhận, việc quản lý lỏng lẻo và nhận trách nhiệm thuộc về mình. Ông Tuấn giải thích: Do nhà ở xa, không trên địa bàn xã, hoạt động vận chuyển, buôn lậu quặng lại diễn ra vào ban đêm nên không thể nắm được, chúng tôi đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, khi có kết luận chính thức sẽ tiến hành họp kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan.

Nghiêm túc kiểm điểm người đứng đầu

Cũng liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên ĐBQH - cho rằng: Quặng lậu vượt biên là rất nghiêm trọng, đúng ra, ngay khi cơ quan báo chí phản ánh các cơ quan chức năng và tỉnh Lào Cai cần vào cuộc ngay, yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển quặng trái phép trong kho bãi đi nơi khác, lập biên bản và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động di chuyển quặng lậu, xóa dấu vết tiếp tục diễn ra, có thể gọi là ngang nhiên, thể hiện sự yếu kém trong quản lý, nói thẳng thì có thể thấy có sự “chống lưng”, cần làm rõ.

Theo ông Vinh, tỉnh Lào Cai cũng như các cơ quan chức năng cần nghiêm túc vào cuộc, không thể để tài nguyên quốc gia chảy máu như vậy, gây thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường, mất ANTT khu vực biên giới. “Ở đây, phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, mà cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đồng thời làm rõ trách nhiệm cơ quan chức năng xem tại sao hàng nghìn tấn quặng lậu lại vượt biên mỗi đêm được, quặng đâu có cánh mà bay, từ đó có hình thức xử lý nghiêm, nếu cần thiết có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với người để xảy ra sai phạm” - ông Vinh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, PV Báo Lao Động đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin và đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị chức năng liên quan nhưng không nhận được câu trả lời...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn