MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ rau Tết của "tỉ phú" nông sản hữu cơ tại Hà Nội

PHAN CÚC - ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 11/02/2021 18:30

Với sản lượng 70 – 80 tấn sau sạch được thu hoạch mỗi năm, hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) của bà Đặng Thị Cuối hiện đang là địa chỉ cung ứng rau sạch hàng đầu cho thị trường khu vực Hà Nội.

Nguồn rau sạch, an toàn

Trên tổng diện tích hơn 5ha, mô hình của bà Đặng Thị Cuối được đánh giá là một trong những điểm sáng nông nghiệp trong thời đại 4.0 cũng như việc áp dụng mô hình tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, HTX của bà Cuối trồng rất nhiều loại rau khác nhau như su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ…

Mỗi ngày, vườn rau của bà Cuối cung ứng ra thị trường khoảng 1 – 2 tạ rau. Bên cạnh đó, mô hình HTX rau Cuối Quý còn cung cấp thực phẩm sạch cho 16 trường mẫu giáo trên địa bàn và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố. Trung bình mỗi địa chỉ sẽ đến nhận rau 1 – 2 lần/tuần và mỗi lần vào khoảng 2 – 3 tạ rau.

Mô hình rau hữu cơ tại HTX rau Cuối Quý xen canh nhiều loại nông sản khác nhau cho năng suất lớn. Ảnh: Phan Cúc.

Năm nay, mặc dù thời tiết lạnh nhưng năng suất rau không gặp quá nhiều ảnh hưởng. Bà Đặng Thị Cuối chia sẻ: “Vì gia đình tôi trồng rau khép kín, nên dù lạnh vẫn không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Tuy nhiên nếu như rau cải mùa nắng từ 18 – 20 ngày cho 1 vụ thì mùa lạnh từ 30 – 40 ngày mới thu hoạch được”.

Hơn 1 tháng kể từ ngày trồng, vườn cà chua của HTX rau Cuối Quý cho năng suất hơn 1 tấn. Ảnh: Phan Cúc.

Để đảm bảo được nguồn rau sạch và an toàn đến tay người dùng, gia đình bà Cuối đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ, làm cỏ hoàn toàn bằng tay, không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học nào.

“Mỗi năm tôi phải mua đến 3 – 4 ôtô tro bếp, 5 – 7 tấn đỗ tương, 3 – 4 tấn phân chim cút, sau đó trộn lẫn vào nhau ủ rồi bón dần” - bà Cuối chia sẻ.

Từ nông dân nghèo đến “tỉ phú” nông sản sạch

Theo tìm hiểu PV, từ năm 2000, do kinh tế gia đình khó khăn, bà Đặng Thị Cuối quyết định lên đường đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Kế đó là quãng thời gian dài với 16 năm liên tục mà bà Cuối gắn bó với công nghệ làm rau sạch, kinh qua các công ty từ Đài Loan (Trung Quốc) tới Nhật Bản. Năm 2016, với vốn kinh nghiệm tại đất khách quê người, bà Cuối trở về quê hương tự phát triển mô hình kinh tế của mình.

Bà Đặng Thị Cuối thu hoạch giống súp lơ trên mô hình rau sạch của gia đình

Ban đầu vợ chồng bà Cuối chỉ trồng trên khu đất nhà mình, nhưng càng làm lại không đủ bán. Suy đi tính lại, gia đình bà quyết định phải mở rộng đất dần mới mong có được hiệu quả.

Đến nay, qua chặng đường dài tích lũy, gia đình bà Cuối đã có tới 15 mẫu đất được trồng và thiết kế theo đúng quy cách của Nhật Bản với hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại.

Nhưng những thành công nhất định hôm nay được hình thành từ những khó khăn của những ngày đầu tiên.

“Mới đầu đi làm thì tôi phải đi thử nghiệm đất và nước. Đất thì đã đạt chuẩn nhưng nước lại không được, tôi thử đến mấy lần cũng không được. Tôi mới đi hỏi các bác xét nghiệm mẫu nước là giờ phải làm sao. Các bác bảo giờ phải mua 3 quả lọc công nghiệp. Lúc đó lắp vào nước mới đạt được yêu cầu" - bà Cuối nói về quá trình làm rau sạch để đạt chuẩn của mình.

Ngoài việc triển khai trồng rau sạch trên dự án HTX của mình, bà Đặng Thị Cuối còn xây dựng thêm 8 mô hình ở các trường học như: Tân Tây Đô, Tây An, Tân Lập…, tạo môi trường cho các cháu học sinh có thể vừa học, vừa có thực phẩm sạch cho bữa cơm hằng ngày.

Hiện nay, tổng diện tích đất trồng rau của bà Đặng Thị Cuối lên tới hơn 5ha, mang về thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ tất cả các loại chi phí. Không những vậy, mô hình của bà Cuối còn đang tạo công ăn việc làm cho khoản 10 công nhân làm việc liên tục.

Nói về nguồn rau sạch cho thị trường tết Tân Sửu, bà Cuối cởi mở: “Năm nay, gia đình tôi trồng thêm nhiều loại rau khác nhau, sản lượng rất nhiều, tất cả đều phục vụ thị trường Tết. Sản phẩm đó có thể vừa làm quà tặng, vừa làm rau ăn Tết an toàn cho tất cả mọi nhà. Đặc biệt tôi còn chú trọng phát triển nhiều loại rau khá lạ như: Su hào ăn ngồng, súp lơ baby hay bông hẹ,…. Những loại nông sản này rất nhiều người thích ăn, ngon và rất an toàn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn