MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ resort lấn chiếm Vườn Quốc gia: Giả mạo giấy tờ sang nhượng đất?

Thanh Mai LDO | 29/11/2019 14:19

Trong quá trình điều tra, PV Báo Lao Động tiếp tục phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy giấy tờ trong giao dịch đất trong Dự án Khu Dịch vụ Du lịch – Nhà vườn Nghiệp Liên bị nghi làm giả...

Mua hai thửa từ người chỉ có một thửa đất

Theo các tài liệu lưu tại cơ quan chức năng huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà chúng tôi có được, cho thấy ông Nghiệp có 2 lần hợp đồng sang nhượng đất với vợ chồng ông Cô, bà Dung. Lần thứ 1 là “Tờ sang nhượng đất” (10.4.2014) tổng diện tích là 3.000m2. Lần thứ 2 là “Giấy bán đất” (25.5.2004) tổng diện tích giao dịch là 10.000m2.

Giấy mua bán đất thể hiện sự sai sót sơ đẳng về nội dung diện tích. Ảnh: T.M

Trong “Giấy bán đất”, viết rất rõ thửa đất nằm liền kề với diện tích 3.000m2 đã bán trước đó. Giao dịch này có dấu hiệu đáng ngờ, bởi vợ chồng ông Cô, bà Dung chỉ có một thửa đất và đã bán hết cho ông Nghiệp vào lần giao dịch thứ nhất.

Ông Danh Cô. Ảnh: T.M

Ông Danh Cô (sinh năm 1965), bà Thị Dung (sinh năm 1966) là người Khmer, nguyên quán xã Minh Hòa (Châu  Thành – Kiên Giang). Qua trao đổi, ông Cô và bà Dung một mực khẳng định rằng, chỉ sang nhượng cho ông Nghiệp duy nhất một thửa đất 3.000m2. Vợ chồng ông chỉ có một thửa đất, bán cho ông Nghiệp xong, ngày hôm sau kéo nhau về quê sinh sống hơn chục năm mới quay trở lại nên không có chuyện bán đất lần thứ 2. Ông Danh Cô khẳng định thêm: “Tôi đâu có đất nào khác để bán đâu mà mua”.

Lời người trong cuộc: Chỉ có 1 thửa đất

Tuy nhiên, với tất cả sự thận trọng, sau khi ghi nhận lời kể của ông Cô, bà Dung, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiều hình thức kiểm chứng khách quan. Rất may mắn, chúng tôi tìm được nhiều "người trong cuộc", tức những người sống cùng thời và hiểu biết về vụ việc.

Nhiều “người trong cuộc” bức xúc với nội dung “Giấy bán đất” đề cập ông Danh Cô, bà Thị Dung bán đất lần 2 cho ông Nghiệp. Ảnh: TM

Đầu tiên là ông Võ Văn Quang, người ký xác nhận vào “Tờ sang nhượng đất”. Hiện ông Quang là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Gành Dầu. 

Ông Võ Văn Quang. Ảnh: T.M

Ông Quang cho biết, mình và gia đình ông Cô, bà Dung là 2 trong số 5 hộ dân được chính quyền sở tại cấp tạm phần đất này. Theo ông Quang, năm 1993, khu vực này là một xóm dân cư (được gọi là Xóm Mới) của xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. Để xây dựng cơ sở quân sự tại nơi có 5 hộ dân ngụ cư trong đó có gia đình ông Quang, gia đình ông Cô, bà Dung... xã và huyện đã tổ chức di dời và tạm cấp cho 5 hộ phần đất ven đường nông thôn, cách địa điểm cũ không xa. Cụ thể mỗi hộ được phân phần đất 10 mét chiều ngang, dọc theo đường nông thôn, sâu vào tận mé rừng.

Tuy nhiên, sau đó, để có thêm đất chăn nuôi, trồng cây trái, cả 5 hộ này đều có khai phá thêm, nhưng chủ yếu theo chiều sâu chứ không thể mở rộng theo chiều ngang vì ranh các hộ gần như liền nhau. Vì thế, theo ông Quang không thể có chuyện ông Cô, bà Dung bán cho ông Nghiệp thửa đất 10.000m2 liền kề với thửa đất đất 3.000m2.

Trong khi đó, theo một luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP. Cần Thơ), “Giấy bán đất” này không mang tính pháp lý vì không có chứng thực của cơ quan chức năng theo quy định pháp luật. Đã thế, lại lộ nhiều nghi vấn làm giả. Ngoài yếu tố, ông Danh Cô khẳng định chữ ký trong “Giấy bán đất” không giống với chữ ký thường ngày của mình (bà Thị Dung không biết chữ), nhiều nội dung cốt lõi trong đó lại mắc sai sót. Điển hình là nội dung diện tích đất. Trong Giấy bán đất ghi: Chiều ngang là 50 mét, chiều dài là 100m, nhưng tổng diện tích là ghi là 10.000m2. Chỉ với chi tiết này đã phơi bày sự “vô lý” của cái được xem là “cơ sở pháp lý” của dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn