MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ resort lấn chiếm Vườn Quốc gia: Giao dịch đất từ hợp đồng vô hiệu

Thanh Mai LDO | 29/11/2019 07:30

Sau khi Báo Lao Động khởi đăng loạt bài về vụ "Resort lấn chiếm Vườn quốc gia Phú Quốc", chúng tôi tiếp tục thu thập được nhiều tài liệu chứng minh việc giao dịch đất trong trường hợp này - căn cứ mấu chốt của dự án Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn Nghiệp Liên - lại bắt nguồn từ hợp đồng vô hiệu.

Giấy sang nhượng đất... vô hiệu

Như Lao Động đã phản ánh, trong các văn bản gửi đến cơ quan chức năng xin thuê phần đất đã xây dựng Resort Nam Phương (ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) làm Dự án Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn Nghiệp Liên, ông Lê Hoàng Nghiệp luôn khẳng định: "Toàn bộ đất này đã sang nhượng từ vợ chồng ông Danh Cô, bà Thị Dung, là người địa phương". Sau đó, lời khai này được Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Lê Thị Hằng xác nhận "đúng sự thật".

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi vừa có được từ cơ quan chức năng cho thấy, việc giao dịch này đã bị vô hiệu. Cụ thể, ngày 10.4.2004,  ông Nghiệp và vợ chồng ông Cô, bà Dung thực hiện giao dịch đất bằng “Tờ sang nhượng” viết bằng tay. Tuy đã diễn ra cách đây gần 15 năm, giấy đã cũ, mực đã xuống màu... nhưng nội dung vẫn còn khá trọn vẹn.

Tờ sang nhượng đấy giữa ông Nghiệp và vợ chồng ông Danh Cô, bà Thị Dung được xác lập vào năm 2004. Ảnh: TM

Theo đó ông Cô, bà Dung sang nhượng cho ông Nghiệp 3.000m2  tọa lạc tại tổ 1, ấp Gành Dầu, với giá 30 triệu đồng. Trong “Tờ sang nhượng”, ngoài chữ ký của 2 bên giao dịch, còn có chữ ký của hai người dân giáp ranh là Văn Đê và Mộng Thường với tư cách là nhân chứng.

Chữ ký của hai nhân chứng trong vụ giao dịch đất. Ảnh: T.M

Ông Võ Văn Quang ký xác nhận với tư cách là Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 1 ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu. Tất cả chỉ có vậy, vì sau đó ông Nghiệp không tiếp tục đến cơ quan chức năng chứng thực theo quy định pháp luật.

Bên cạnh nhân chứng là người dân lân cận, Tờ sang nhượng chỉ có xác nhận của Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 1, ấp Gành Dầu, chứ không hề có xác nhận của UBND xã. Ảnh: T.M

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP. Cần Thơ) cho biết, giao dịch diễn ra vào năm 2004, lúc này đã có Luật Đất đai 2003 nên theo luật định, hợp đồng chuyển nhượng phải có chứng thực của UBND cấp xã hoặc công chứng của Phòng Công chứng. Việc chỉ có đại diện Tổ Nhân dân tự quản xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng là vi phạm về hình thức theo quy định pháp luật nên đương nhiên là bị vô hiệu.

Hiệu ứng dây chuyền

Phát hiện này không chỉ phơi bày sự thật đau lòng rằng việc sang nhượng đất của ông Nghiệp không hề hợp pháp, mà còn là nguyên nhân kéo theo cả hiệu ứng dây chuyền đáng lo hơn: Các cơ quan chức năng lại căn cứ lời khai đó để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận cho ông Nghiệp thuê phần đất này làm Khu Dịch vụ Du lịch – Nhà vườn Nghiệp Liên. Cụ thể, ngày 8.8.2016, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang - ký Tờ trình số 357/TTr-SNNPTNT tham mưu cho UBND tỉnh về dự án.

Văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang của Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang. Ảnh: T.M

Trong Tờ trình, ông Tâm khẳng định: “Toàn bộ diện tích 9.884m2 đất mà Nghiệp Liên xin thuê, không nằm trong đất rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc”. Tờ trình này cũng nhấn mạnh, diện tích này được doanh nghiệp sang nhượng từ hộ ông Danh Cô và bà Thị Dung vào tháng 4.2004 (có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Gành Dầu).

n
Một góc khu Resort Nam Phương. Ảnh: T.M

Tuy nhiên, như đã trình này, bà Hằng không phải là người đại diện UBND xã trực tiếp ký chứng thực lên hợp đồng chuyển nhượng này vì tờ hợp đồng sang nhượng đất giữa ông Nghiệp và ông Cô, bà Dung diễn ra trước đó 12 năm. Mặt khác, bà Hằng càng không thể căn cứ vào “Tờ sang nhượng” vô hiệu giữa ông Nghiệp và ông Cô, bà Dung để làm căn cứ chứng thực phục vụ cho dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn