MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 500 con lợn của công ty chăn nuôi Sơn Động bị chết vì thiếu cám. Ảnh: Vân Trường

Vụ trại lợn Hoà Phát gây ô nhiễm: Gần 500 con lợn chết vì... thiếu cám

Vân Trường LDO | 28/02/2023 10:10

Bắc Giang - Trước việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, người dân đã chặn không cho xe chở cám vào trong khu vực công ty, khiến hàng trăm con lợn bị chết vì thiếu cám.

Sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm từng cá nhân, bộ phận

Liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước thải tại Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (thuộc tập đoàn Hoà Phát) gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, chiều 27.2, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với từng cá nhân, từng bộ phận chuyên môn trong nắm bắt, xử lý tình hình.

"Trước mắt, UBND huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, lực lượng công an và UBND xã Long Sơn giám sát việc chấp hành pháp luật, khắc phục hậu quả ô nhiễm.

Cùng với đó, chính quyền địa phương sẽ nắm bắt tâm lý của người dân để kịp thời ngăn chặn các hành vi, phản ứng quá khích như việc lập lều, lán trại ngăn xe chở cám của công ty", Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết.

Đại diện UBND huyện Sơn Động thông tin thêm, sau khi để xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước thải gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động đã bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân quá khích cản trở hoạt động chăm sóc vật nuôi, khiến lợn bị chết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

 Số lợn chết trong trại lợn Hoà Phát đa phần là lợn con. Ảnh: Vân Trường

Cụ thể, theo báo cáo từ Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động, từ ngày 21 đến 24.2, lợn chết loại do yếu đói thiếu thức ăn là 462 con, bao gồm: 323 con lợn con theo mẹ, 118 con lợn cai sữa, 18 con lợn thịt và 3 lợn nái chết. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,1 tỉ đồng.

Phía doanh nghiệp cho biết, sau khi người dân dỡ lán trại, doanh nghiệp đã đưa được 280 tấn cám vào trong khu vực chăn nuôi, bảo đảm đủ thức ăn theo định lượng trong 8 ngày. Đối với số lợn đã chết, họ chia làm nhiều mẻ đốt liên tục 24/24h để đảm bảo xử lý đúng luật không ô nhiễm môi trường.

“Chúng tôi ủng hộ các doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh song phải hài hòa mối quan hệ với cơ sở, tuân thủ pháp luật. Quan điểm chỉ đạo chung là nếu doanh nghiệp vi phạm phải xử lý nghiêm, còn nếu người dân có hành động quá khích, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động Lê Đức Thắng nói thêm.

Người dân có quyền phản đối nhưng không được căn cản hoạt động của doanh nghiệp

Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động có ngành nghề đăng ký kinh doanh là chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại thôn Hạ (xã Long Sơn, huyện Sơn Động) với diện tích đất sử dụng hơn 67 ha.

Hiện doanh nghiệp này đang nuôi 14,1 nghìn con lợn thịt, 13,9 nghìn con lợn con, 625 con lợn hậu bị. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, doanh nghiệp này từng để xảy ra sự cố về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trại lợn Hòa Phát có diện tích 67 ha nằm trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vân Trường

Giữa năm 2020, để tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp đã hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, đồng thời cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự.

Chính vì thế, ngay khi phát hiện sự cố gây ô nhiễm môi trường vào ngày 15.2 vừa qua, người dân thôn Hạ bức xúc, cho rằng doanh nghiệp đã “bội ước”, dẫn đến hành động dựng lán ngăn xe chở cám.

Về phía công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động, ông Ngô Xuân Trường, giám đốc công ty cho biết, sau khi tiến hành nộp phạt hành chính số tiền 500 triệu theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ngay trong tuần tới, công ty sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống đường ống, thay thế các đoạn xuống cấp và nâng cấp độ an toàn cho hệ thống ống dẫn thông qua việc gia cố tường bao tại các vị trí.

 Từ sáng ngày 24.2, xuất hiện bãi thải rắn trên đoạn đường vào Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động gây cản trở, mất an toàn giao thông, dễ gây ra tai nạn giao thông cho nhân dân đi lại. 

Theo dõi vụ việc qua các bài viết trên Lao Động, luật sư Quách Thành Lực, giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm, trong sản xuất, kinh doanh, việc xảy ra sự cố không ai mong muốn và nằm ngoài dự tính của doanh nghiệp nên người dân cũng cần thông cảm. Hành vi vi phạm được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định.

"Người dân có quyền phản đối nhưng không được cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi nếu cản trở gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp thì tuỳ mức, người vô ý gây thiệt hại có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, theo điều 180 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017", Luật sư Lực cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn