MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ “trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà”: Vẫn có sử dụng bổ sung phân, thuốc

Lục Tùng LDO | 03/03/2020 15:15

Sau khi trực tiếp về huyện Phú Tân, tỉnh An Giang tìm hiểu, các cán bộ nông nghiệp được biết: cánh đồng lúa được cho là chỉ bón sữa tươi, trứng gà sự thật vẫn có sử dụng bổ sung phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân, do gia đình anh Vũ âm thầm thực hiện biện pháp canh tác mới, nên mãi đến khi nhiều phương tiện truyền thông đăng tải, ngành nông nghiệp huyện mới biết và vào cuộc theo dõi, quan sát.

Theo bà Linh, quan sát trực tiếp tại đồng ruộng cho thấy, trong toàn bộ diện tích 9ha đất đều trồng giống lúa OM4900. Tuy nhiên độ cao của cây lúa chỉ đạt 80-90cm, thấp hơn độ cao đặc tính 10-20cm. Qua trao đổi trực tiếp với gia đinh ông Dương Xuân Vũ, xác định năng suất chỉ đạt khoảng 6,8 tấn/ha, chứ không phải 10 tấn/ha như có thông tin đã phản ánh.

Bảng chiết tính được ông Vũ cung cấp và thống nhất nội dung. Ảnh: TL

Theo bảng chiết tính hiệu quả kinh tế của vụ lúa Đông xuân của ruộng ông Vũ do bà Linh cung cấp cho thấy ruộng lúa này không hoàn toàn bón sữa tươi, trứng gà thay phân thuốc. Theo đó, ngoài việc sử dụng phân bón lá Comcat phun vào ngày thứ 60 của cây lúa, ông Vũ còn sử dụng ít nhất 3 loại thuốc bảo vệ thực vật, như: Anhead 12 GR, New Tex 300sc và Viliam Targo 063sc.

Cụ thể, theo lời ông Vũ, thuốc Anhead 12 GR để trị ốc bưu vàng,  New Tex 300sc và Viliam Targo 063sc được phun vào ngày thứ 40 của cây lúa để trị “bệnh đạo ôn” và “sâu đục thân”.

Theo bà Linh, toàn bộ nội dung này được đích thân bà ghi nhận, sau đó đánh máy và mang vào tận nhà cho ông Vũ xem lại và thống nhất. Theo các tài liệu do công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cung cấp, nếu được bón vào ngày thứ 40 và 60 của cây lúa so với thời gian sinh trưởng bình quân là 90 ngày của giống lúa thì đủ thời lượng để lượng phân, thuốc này được “phóng thích”. Điều này cũng đồng nghĩa, người tiêu dùng không quá lo lắng về khả năng tồn lưu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Dương Xuân Vũ bên ruộng trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà. Ảnh: TL

Trước đó, theo các thông tin đăng tải, sau khi được chủ một cơ sở sản xuất vôi ở Kiên Giang chỉ dẫn, ông Dương Xuân Vũ (xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) lần đầu áp dụng biện pháp canh tác mới: Chỉ bón vôi và cho lúa “uống” sữa tươi và trứng gà mà không cần sử dụng thêm bất cứ phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào, nhưng lúa vẫn đạt năng suất 10 tấn/ha. 

Cụ thể, thời điểm đầu vụ, anh bón vôi Địa Long dạng viên để diệt ốc bươu vàng. Sau khi lúa được gieo sạ 25 ngày, 40 ngày và 60 ngày sẽ tiến hành phun hỗn hợp gồm phân vôi, trứng gà và sữa tươi. 

Tuy nhiên, thông tin này bị nhiều nhà nghiên cứu nông nghiệp nghi ngờ vì cho rằng bản thân cây lúa không thể hấp thu protein trực tiếp từ sữa tươi, trứng gà trong vòng đời ngắn ngủi của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn