MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hiếu đến gửi đơn xin nhận lại xe nhưng chưa được chấp nhận. Ảnh: NVCC

Vụ xe tải ép ngã xe máy: Mất thu nhập, người bị nạn làm đơn xin lại xe

Tô Thế LDO | 10/01/2024 12:34

Gần 1 tháng bị tạm giữ xe sau vụ xe tải ép ngã xe máy, tài xế xe máy không có phương tiện để đi làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Liên quan vụ xe tải ép ngã 2 người đi xe máy trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội) xảy ra ngày 16.12.2023, đến nay tài xế xe tải chưa ra trình diện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.

Mất việc làm gần 1 tháng, chật vật sống ở Hà Nội

"Tôi mệt mỏi lắm rồi" - câu nói của anh Hoàng Mạnh Hiếu (SN 1999, quê Yên Bái, tài xế xe máy) khi chia sẻ với PV báo Lao Động về vụ tai nạn.

Từ Yên Bái xuống Hà Nội chạy xe ôm công nghệ, thu nhập hàng ngày cũng chỉ đến từ công việc này. Tuy nhiên, từ ngày 18.12.2023, chiếc xe máy của anh Hiếu bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Từ đó, công việc chạy xe ôm phải tạm dừng vì không có phương tiện.

"Gần 1 tháng nay tôi không có việc, không thu nhập. Những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng đã dùng hết, giờ không biết xoay sở thế nào" - anh Hoàng Mạnh Hiếu chia sẻ.

Theo anh Hiếu, thời điểm bị tạm giữ xe, anh không nhận được bất kỳ biên bản tạm giữ nào. Cũng từ thời điểm đó đến nay, anh chưa nhận được một cuộc gọi nào từ cơ quan chức năng thông tin về vụ việc.

Mọi thông tin anh nắm được đều thông qua các bài viết trên báo chí và từ vị khách ngồi sau xe trong vụ tai nạn.

Anh Hiếu đến gửi đơn xin nhận lại xe nhưng chưa được chấp nhận. Ảnh: NVCC

Đến ngày 9.1, sau khi biết được thông tin vụ việc đã được chuyển sang Công an huyện Thanh Trì thụ lý, giải quyết, anh Hiếu đã làm đơn đề nghị trả lại xe và đến Công an huyện Thanh Trì để gửi. Tuy nhiên, việc gửi đơn chưa được chấp nhận.

"Cán bộ ở đó nói hiện chưa có người phụ trách vụ án, vì vậy đề nghị tiếp tục về nhà chờ. Tôi xuống Hà Nội chạy xe ôm, ngoài để có thu nhập trang trải cuộc sống thì còn phải gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê. Giờ gần 1 tháng phải nghỉ làm, tết nhất đến nơi rồi, thật sự tôi không biết phải làm thế nào nữa" - anh Hoàng Mạnh Hiếu chia sẻ.

Cũng theo anh Hiếu, chiếc xe anh chạy đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Chuyển vụ việc sang Đội điều tra hình sự

Trao đổi nhanh qua điện thoại với PV báo Lao Động sáng 10.1, Thượng tá Đào Thanh Bình - Trưởng Công an huyện Thanh Trì - cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc, đồng thời giao cho Đội Điều tra hình sự xác minh, làm rõ theo quy định. Thông tin cụ thể sẽ được cung cấp sau.

Liên quan đến thời hạn tạm giữ phương tiện, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - cho biết, hiện pháp luật không quy định cụ thể về từng trường hợp thời gian tạm giữ phương tiện, tài liệu, đồ vật để phục vụ cho công tác kiểm tra.

Thời hạn tạm giữ phương tiện, tài liệu, đồ vật phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm phụ thuộc vào thời hạn điều tra xác minh theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, Luật sư luật Đặng Văn Cường phân tích vụ việc. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, khi thực hiện xong thủ tục xem xét dấu vết, giám định, định giá đối với phương tiện giao thông mà xét thấy không cần thiết phải giữ lại thì cơ quan điều tra cũng có thể trả lại cho chủ sở hữu.

"Vấn đề hiện nay là pháp luật không quy định thời hạn tạm giữ phương tiện trong các trường hợp này là bao lâu, chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần linh động, giải quyết đảm bảo hợp tình, hợp lý.

Với những phương tiện giao thông là nguồn sinh sống chính, là phương tiện mưu sinh của phía người bị hại thì cần phải thực hiện nhanh các thủ tục để trả lại cho người bị hại" - Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn