MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh hưởng giá xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng đều tăng đẩy người nghèo thành thị rơi vào cảnh khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Vừa gượng dậy sau dịch, lại chịu "cú bồi" giá xăng tăng

NHẬT HỒ LDO | 23/02/2022 10:34
Trước áp lực xăng dầu tăng giá hàng loạt các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo. Chính điều này đẩy người nghèo thành thị vào cảnh khó khăn, nhất là họ vừa mới gượng đứng dậy sau đại dịch COVID-19.

Chi phí vận chuyển sẽ tăng cao

Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng, đã có nhiều đơn vị bán lẻ xăng dầu ngưng bán do không còn hàng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cũng gặp không ít khó khăn, khi giá xăng dầu tăng, nhưng lượng khách đi lại rất ít.

Ông Trần Đại Lượng, đại diện nhà xe Hán Nghĩa (phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hiện tại giá xăng dầu lên quá cao, giá vé chưa tăng được. Phần chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Không chỉ giá xăng tăng mà các chi phí khác như phí thuê nhân công, tiền bảo hành, bảo dưỡng xe… cũng tăng theo.

Các nhà xe đồng loạt than trời vì giá xăng dầu liên tiếp tăng cao. Ảnh: Nhật Hồ

“Không chỉ riêng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác vẫn có ý định xin tăng giá vé khoảng 20% so với giá hiện nay để bù vào chi phí xăng dầu. Nếu không điều chỉnh giá chắc doanh nghiệp chúng tôi phải tạm dừng hoạt động chờ giá xăng dầu hạ nhiệt. Bây giờ mỗi tài (chuyến xe) cũng chỉ khoảng 10 - 20 hành khách trở lại, nghĩa là khoảng 50% so với số ghế”, ông Lượng chia sẻ thêm.

Xăng dầu tăng giá khiến cho ngành vận tải gặp khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Hà Văn Khởi, quản lý nhà xe Tuấn Hiệp (chi nhánh tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Giá xăng dầu đang tăng cao, trong khi dịch bệnh COVID 19 vẫn phức tạp, hành khách đi lại rất hạn chế.

Theo ông Khởi, năm trước, mỗi xe cho một tài chạy có tổng chi phí chỉ khoảng 7 - 7,5 triệu đồng (điều kiện khoảng 40 hành khách/chuyến). Còn hiện tại, giá đã đội lên cao khoảng 11 - 11,5 triệu đồng khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Ngoài ra, các chi phí phục vụ cho chuyến đi đều tăng, trong khi lương công nhân dậm chân tại chỗ.

Xăng dầu tăng giá tàu cá có nguy cơ nằm bờ. Ảnh: Nhật Hồ

“Nếu giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho tăng giá vé khoảng 15 - 20% để bù vào những khoản chi phí tăng cao. Có như vậy, doanh nghiệp vận tải chúng tôi mới có thể duy trì hoạt động được”, ông Khởi cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận được tờ trình nào của doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh về việc xin tăng giá vé.

Người nghèo thêm khó

Xăng dầu tăng giá không chỉ khiến giá cả nhiều mặt hàng ở các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, nhà phân phối… đã nhích lên mà ngay cả những nơi bán hàng bình ổn giá cũng đã thay đổi giá mới đối với nhiều ngành hàng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hồ (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Công ty tôi chuyên phân phối các mặt hàng công nghệ thực phẩm, từ đầu năm đến nay, giá nhập vào của một số mặt hàng tăng từ 5 - 10%, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán”.

Người nghèo thành thị mới gượng dậy hậu COVID-19 nay lại bị áp lực tăng giá tiêu dùng trong khi thu nhập giảm. Ảnh: Nhật Hồ

Giá xăng, dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo. Bởi, tất cả các mặt hàng đều tăng giá, người tiêu dùng lãnh đủ khi giá tăng mà thu nhập giảm do ảnh hưởng COVID-19.

Ông Đỗ Văn Dũng (phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát, suốt nhiều tháng liền, ông thất nghiệp, cuộc sống vô cùng chật vật. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ông tiếp tục con đường mưu sinh, đồng tiền kiếm ra càng eo hẹp do không có nhiều người thuê chở hàng như trước.

Ông Dũng than thở: “Giá cả bây giờ tăng nhanh khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng theo, cuộc sống của những lao động nghèo như tôi càng oằn nặng khó khăn. Xăng tăng nên chi phí mỗi chuyến chở hàng của tôi phải tăng thêm nhưng tôi vẫn giữ nguyên phí vận chuyển, nếu khách nào thương, thông cảm thì cho thêm tiền chứ tôi không dám tăng vì sợ mất mối”.

Áp lực giá xăng dầu khiến người nghèo lãnh đủ. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Phạm Văn Long, ở trọ tại khóm 10, phường 1, thành phố Bạc Liêu chia sẻ: “Bây giờ làm gì cũng khó, cộng thêm giá cả hàng hóa từ chai dầu ăn, nước mắm… đều tăng, kiếm được đồng nào là phải tiêu xài tằn tiện mới không bị thiếu ăn, nợ tiền trọ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn