MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vừa làm đồ án, vừa chế tạo máy rửa tay cảm ứng

Lục Tùng LDO | 25/04/2020 10:38

Máy rửa tay cảm ứng nhỏ gọn, sử dụng cảm biến siêu âm, chi phí thấp, ít nhiễu - có phiên bản sử dụng pin sạc nên có thể di chuyển, tiện dụng.

Thông tin Thái Minh Tín, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiên Giang chế tạo thành công máy rửa tay cảm ứng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Bởi điều này không chỉ góp phần phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, mà còn bởi nó được làm ra bởi sinh viên trẻ (sinh năm 1998) ở trường đại học trẻ tuổi (vừa tròn 5 năm) làm ra sau thời gian rất ngắn. 

Thái Minh Tín và sản phẩm máy rửa tay cảm ứng. Ảnh: LT

Chuyện bắt đầu khi thực hiện giãn cách xã hội, chàng sinh viên quê Tân Hiệp (Kiên Giang) phải ở nhà vừa học online, vừa làm đề án tốt nghiệp. Trong một lần thảo luận nhóm, từ gợi ý về tầm quan trọng của việc rửa tay sát khuẩn trong phòng chống dịch, Tín lao vào nghiên cứu.

Tín nhận được sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên. Ảnh: LT

Được sự hỗ trợ và ủng hộ nhiệt tình của thạc sĩ Nguyễn Văn Rạng (Phó trưởng Khoa Thông tin - Truyền thông) vừa làm đồ án tốt nghiệp, Tín nghiên cứu và tự tay chế tạo thành công máy rửa tay sát khuẩn hoạt động theo cơ chế cảm ứng.

“Thoạt đầu nghe ý tưởng, tôi không quá ngạc nhiên vì trước đó Tín đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong việc ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn như bơm tưới, bật tắt đèn tự động qua điện thoại,.... nhưng khi nghe em trình nói về ý tưởng cơ chế vận hành, thì tôi thật sự thật sự bất ngờ và hào hứng nên trợ giúp hết mình” - thạc sĩ Rạng nhớ lại.

Thái Minh Tín rất đam mê nghiên cứu. Ảnh: LT

Sau 1 tuần (1 - 7.4) Tín đã cho ra đời máy rửa tay cảm biến, và ngay lập tức tạo ra hiệu ứng xã hội. Nhiều cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh đặt hàng.

Máy gọn nhẹ, phun sương với nhiều tính năng vượt trội so với cùng chủng loại trên thị trường. Ảnh: LT

Theo thạc sĩ Rạng, máy của Tín sử dụng cảm biến siêu âm nên chi phí thấp mà ít bị nhiễu. Thiết bị gọn, nhẹ, vận hành êm do sử dụng hệ thống bơm chìm, tạo ra phun sương và đặc biệt là máy có 2 phiên bản: Cắm điện trực tiếp, hoặc pin sạc nên có thể cơ động trong mọi điều kiện, mọi địa bàn...

Thạc sĩ Rạng còn đánh giá cao sản phẩm của Tín khi sinh viên này thiết kế thêm bộ phận điều chỉnh lượng nước phun theo nhu cầu trước khi vận hành. Điều này không chỉ tiện lợi cho mọi đối tượng từ công chức cho đến người lao động các cơ quan, xí nghiệp đặc thù... mà còn tiết kiệm được lượng dung dịch bên trong.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh (phải) khen thưởng đột xuất sinh viên Thái Minh Tín. Ảnh: LT

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Đại học Kiên Giang - triệu tập Hội đồng khoa học trường để tổ chức đánh giá. Sau khi xác định, đây là sản phẩm được nghiên cứu trên nền tảng kiến thức nền do trường đào tạo và có độ chính xác cao, ổn định... ông Khanh đã quyết định trao phần thưởng đột xuất và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ Tín làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn