MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vừa tái khởi động, doanh nghiệp ĐBSCL lại gặp khó vì COVID-19

Lục Tùng LDO | 17/11/2021 20:50

Sau thời gian tạm dừng hoặc giảm quy mô hoạt động theo mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 4 tại chỗ... nhiều doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL đã khởi động trở lại. Tuy nhiên, ngay sau khi khởi động, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Dồn dập với số lượng lớn

Tại An Giang, chỉ sau thời gian tái hoạt động, Công ty TNHH An Giang Samho (Khu Công nghiệp Bình Hòa) đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất do phát hiện nhiều ca mắc COVID-19. Cụ thể, chỉ trong 3 ngày (12 - 14.11) đã phát hiện 88 trường hợp mắc COVID-19. 

Ngay sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm phức tạp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất để công ty thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Công ty TNHH An Giang Samho. Ảnh: CTV

Tương tự, Công ty TNHH May xuất khẩu Đức Thành 1 (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên) cũng bắt đầu tạm dừng sản xuất cục bộ sau khi phát hiện nhiều người lao động dương tính với virus SARS-CoV-2, nghi mắc COVID-19. Chỉ trong 2 ngày (12-13.11) tầm soát đã phát hiện 222 ca nghi mắc COVID-19. Đáng lo là số lượng phát hiện có dấu hiệu tăng. Cụ thể, trong ngày 12.11, qua tầm soát phát hiện 41 ca nghi nhiễm, thì đến ngày 13.11, số ca phát hiện nghi nhiễm tăng lên 181 ca. Đáng chú ý là hầu hết được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, một số đã tiêm nhưng chưa đủ 14 ngày.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, dịch COVID-19 cũng tấn công vào doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành).  Sau chưa đầy 20 ngày hoạt động trở lại, Công ty HwaSeung đã phát hiện 163 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 qua khám sàng lọc định kỳ. Và cũng như An Giang, phần lớn người lao động cũng đã được tiêm vaccine COVID-19.

Theo ông Hà Văn Phúc - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đa số các ca mắc đều không có triệu chứng và nhiều khả năng số ca mắc sẽ còn tăng trong những ngày tới...

Quyết tâm, nhưng không chủ quan

Việc các doanh nghiệp mạnh dạn khởi động lại sản xuất được xem như dấu hiệu tích cực đa mục tiêu. Bởi không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động ổn định cuộc sống, mà còn khởi động cho lộ trình hồi phục kinh tế trong cơn bão dịch COVID-19. Vì thế, nó nhận được sự ủng hộ lớn từ xã hội và cơ quan chức năng. 

Một góc nhà xe của Công ty HwaSeung. Ảnh: LT

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - chia sẻ: Sau 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau để tập trung cho công tác phòng chống dịch, kinh tế của tỉnh tăng trưởng rất chậm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước chỉ đạt khoảng 2,15%. Vì thế việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 là yêu cầu rất cấp bách không chỉ của riêng doanh nghiệp mà của toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Bình, quyết tâm, nhưng không được chủ quan, khôi phục bằng mọi giá. Theo đó, do dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nền kinh tế cần phải được tính toán kỹ trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Trong đó, ông Bình cho rằng, đặc biệt chú trọng đến cách tiếp cận và phương thức phù hợp. 

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Công ty TNHH An Giang Samhoo. Ảnh: LT

Ông Bình nhấn mạnh: “Với quan điểm sản xuất phải an toàn, không an toàn thì không sản xuất, An Giang đã ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế theo tinh thần thích ứng, linh động”.

Theo đó, cũng như một số tỉnh vùng ĐBSCL, An Giang đã chủ động giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chủ doanh nghiệp, công ty, đơn vị quyết định hoạt động sản xuất theo phương châm: “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”; “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”...

Cũng với tinh thần này, tỉnh Kiên Giang vừa động viên, vừa giám sát theo dõi các doanh nghiệp khởi động sản xuất. Ông Hà Văn Phúc cho hay, bên cạnh khuyến cáo doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện biện pháp 5K, thực hiện giãn cách trong các khâu tập trung đông người... tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện lắp vách ngăn tại các bàn ăn và bố trí ăn trưa theo từng xưởng riêng biệt.

“Đặc biệt là khuyến cáo các doanh nghiệp ưu tiên lắp đặt hệ thống thông khí tự nhiên và 1 chiều trong xưởng sản xuất” - ông Phúc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn