MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở Cai nghiện Ma túy số 1 Hòa Bình. Ảnh: Minh Nguyễn.

Vui buồn nghề chữa bệnh cho những mảnh đời lầm lỡ

Minh Nguyễn LDO | 27/02/2023 10:17

Hòa Bình - Hàng ngày những y, bác sĩ tại cơ sở cai nghiện ma túy phải đối diện với những trường hợp lên cơn, loạn thần và tiếp xúc với đủ loại bệnh tật gây nguy hiểm, có thể đến sức khỏe.

Ngày 26.2, PV Báo Lao Động đến thăm Cơ sở Cai nghiện Ma túy số 1 (Sở LĐTB&XH Hòa Bình) ở phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tại đây, nép mình sau những bức tường kiên cố, các học viên cai nghiện ma túy vẫn từng ngày đấu tranh với bản thân, cố gắng trị liệu để sau này có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Nhiều học viên khi vào cơ sở cai nghiện thường rất bức xúc về tâm lý, thậm chí là có tư tưởng, hành vi tiêu cực. Những y, bác sĩ sẽ là người đầu tiên tiếp xúc, xác định bệnh lý... để có hướng điều trị. Rồi cũng chính những thầy thuốc là người cảm hóa, giúp học viên vượt qua quá trình cắt cơn đầy gian nan. 

Trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên tiếng la hét và đập phá của một bệnh nhân đang trong giai đoạn cắt cơn. Bác sĩ Lê Tiến – Trưởng phòng y tế và điều trị methadone (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình) cùng đồng nghiệp vội vã chạy tới phòng bệnh nhân.

 Không chỉ cai nghiện, những học viên còn được chữa bệnh và học nghề.

Sau những lời khuyên ngăn, học viên đang trong cơn nghiện đã được tiêm thuốc. Dù trên gương mặt đang thấm đẫm mồ hôi nhưng bác sĩ Tiến vẫn cười và nói: “Đây là công việc thường ngày, mọi người ở đây quen rồi. Nhiều học viên trong cơn vật vã còn đuổi đánh bất kỳ ai xung quanh nên các y, bác sĩ phải thật kiên định, dũng cảm”.

Vị trưởng phòng kể thêm, có nhiều trường hợp học viên cắt cơn đã uy hiếp tính mạng của các y, bác sĩ mà đặc biệt là cán bộ nữ, để đòi được ra ngoài tự do. Vũ khí thường là cây đũa, bàn chải đánh răng được mài vào tường cho nhọn nên khó tránh khỏi. Sau tất cả, bằng ý trí và sự dũng cảm, những người thầy thuốc đã khuyên can thành công.

Không những thế, các học viên cai nghiện còn mang nhiều loại bệnh lây nhiễm như: Lao phổi, HIV/AIDS,... tuy công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và tính mạng, nhưng với sự nhiệt huyệt của nghề, lòng cảm thương với những số phận lầm lỡ, các y, bác sĩ luôn hết lòng giúp họ phục hồi sức khỏe, quay trở lại cuộc sống thường nhật.

 Người thầy thuốc trong trung tâm cai nghiện gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Học viên N.N.K (43 tuổi, trú tại Hà Nội – tự nguyện đi cai nghiện) chia sẻ: “Tôi là người đã nghiện và tái nghiện nhiều năm, cũng đi nhiều trung tâm khác nhau thì ở Hòa Bình là nơi tốt nhất để điều trị. Y, bác sĩ tại đây rất tận tình, đặc biệt là không có việc chèn ép hay gây khó dễ với học viên, mà ngược lại là sống rất tình cảm và hòa đồng với tất cả mọi người”.

Tuy vậy, với tính chất đặc thù của công việc nguy hiểm, thời gian trực và làm việc lớn, chế độ lương không cao (so với các ngành nghề dịch vụ y tế khác) nên nơi đây không được các y, bác sĩ lựa chọn làm việc. Hoặc có một số trường hợp khi đang làm việc tại trung tâm, sau khi được cử đi đào tạo nâng cao đã nghỉ việc và chọn môi trường làm việc khác.

Bác sĩ Lê Tiến cho hay, nhiều trường hợp nghiện heroin thì có độ tuổi cao, mắc nhiều bệnh lý; người nghiện chất ma túy tổng hợp có độ tuổi trẻ, dễ bị loạn thần và chống đối y, bác sĩ. Từ đó, tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình cai nghiện, chữa bệnh và chăm sóc cho học viên.

Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Minh – Giám đốc cơ cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình cho biết: "Cơ sở có hơn 50 viên chức đang làm nhiệm vụ điều trị, quản lý 150 học viên. Với mục tiêu được đưa lên hàng đầu là giúp họ cai nghiện, chữa bệnh để quay về cuộc sống với người thân và gia đình. Để đạt được, trung tâm chú tâm nâng cao chất lượng y tế, thường xuyên tổ chức đưa cán bộ đi đào tạo nâng cao nghiệp vụ" - ông Minh cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn