MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân có trang bị máy lọc nước nhưng không thể uống được vì nguồn nước đã nhiễm phèn, mặn. Ảnh: Nhật Hồ

Vùng tâm điểm sạt lở ở Cà Mau, người dân chịu thêm cảnh thiếu nước sinh hoạt

NHẬT HỒ LDO | 25/03/2024 06:31

Mùa khô năm nay, người dân sinh sống ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau không chỉ đối mặt với hạn hán kéo dài gây sạt lở, sụt lún đất mà còn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Thống kê của huyện Trần Văn Thời có 5/13 xã, thị trấn khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, gồm có thị trấn Trần Văn Thời và các xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi.

Để ứng phó với việc thiếu nước sinh hoạt, bên cạnh sử dụng nước mưa dự trữ, một số hộ dân phải mua nước truyền dẫn từ trạm cấp nước ở các địa phương lân cận. Tuy nhiên, lượng nước được cung cấp vẫn không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong mùa khô này.

Chị Nguyễn Thị Lụa (xã Khánh Bình Đông) cho biết: “Cũng như những năm trước, gia đình tôi nhận thức được việc sinh sống ở vùng bị nhiễm phèn, nước không thể sử dụng được nên có mua các lu, bình chứa về để tích trữ nước mưa. Tuy nhiên, nắng nóng cứ kéo dài mãi nên lượng nước mưa dự trữ cho năm nay cũng sắp hết, mặc dù gia đình đã cố gắng sử dụng một cách tiết kiệm. Giờ tôi chỉ mong nhanh chóng đến mùa mưa để có được nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày”.

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hiện là tâm điểm của sạt lở đất, khô hạn. Ảnh: Nhật Hồ

Bà Nguyễn Thị Hồng Suốt (xã Khánh Bình Đông) cho biết: “Nước giếng khoan khu vực tôi sinh sống bị nhiễm phèn, bơm lên không sử dụng được. Mặc dù, gia đình có máy lọc nước nhưng vẫn không sạch, bởi nước nhiễm phèn nặng quá.

Cũng có một số hộ dân bơm nước lên để một thời gian rất lâu cho lắng đọng phèn và miễn cưỡng sử dụng. Là nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, dẫu biết bị nhiễm phèn nhưng vẫn phải sử dụng thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ em. Nhưng do thiếu nước nên nhiều gia đình đành phải chấp nhận sử dụng.

Riêng gia đình tôi thì chủ yếu sử dụng nước mưa tích trữ để uống, khi hết nước mưa thì phải đổi nước bình. Còn nước sinh hoạt thì mua từ trạm cấp nước của xã Trần Hợi nhưng nhiều lúc nguồn nước từ trạm cấp nước cũng không cung cấp đủ nhu cầu sử dụng. Mùa khô này, tiền nước uống và nước dùng trong sinh hoạt của gia đình tôi mỗi tháng phải hơn 500 ngàn đồng. Tôi hi vọng rằng, chính quyền địa phương sẽ quan tâm, xem xét đầu tư, nâng cấp trạm cấp nước để người dân chúng tôi có được nguồn nước sạch sử dụng”.

Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hiện có 26 trạm cung cấp nước. Trong đó, có 6 trạm cấp nước đã hư hỏng, các trạm cấp nước còn lại mặc dù hoạt động nhưng do đầu tư xây dựng lâu năm nên hiện dần xuống cấp. Chính vì vậy, vào cao điểm mùa khô, nguồn nước cung cấp không đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân.

Chủ tịch UBND Huyện Trần Văn Thời - Trần Tấn Công - cho biết: “Trước tình hình đó, chúng tôi đã hướng dẫn các giải pháp sử dụng tiết kiệm nước đến từng người dân để bà con chủ động ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị quản lí trạm cấp nước nối mạng nông thôn và người dân thường xuyên kiểm tra các công trình cấp nước, kịp thời khắc phục, sửa chữa các trạm xuống cấp, những đoạn ống bị hư hỏng và giếng nước sinh hoạt hộ gia đình mình để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực nhằm đảm bảo không để thiếu nước sinh hoạt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn