MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm kiểm soát phương tiện ôtô vào, ra sân bay Nội Bài. Ảnh: SL

Vướng cơ chế, mới triển khai được 3/21 sân bay

Đặng Tiến LDO | 04/04/2020 10:17

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) hiện đang quản lý 21/22 cảng hàng không - sân bay (trừ sân bay Vân Đồn). Nhằm phục vụ việc kiểm soát vé ra vào các cảng hàng không đảm bảo an ninh, an toàn phân luồng tuyến, năm 2019, ACV đã đầu tư 160 tỉ đồng xây dựng hệ thống kiểm soát xe ra vào các sân bay, tuy nhiên do vướng cơ chế triển khai đến nay mới triển khai được 3/21 sân bay.

Vướng về mặt bằng…

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ACV phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ôtô ra vào sân bay xong trước ngày 31.3.2020. 

Tuy nhiên, đến nay việc lắp đặt vẫn chưa thực hiện xong. Nguyên nhân được ACV đưa ra là do vướng các thủ tục đầu tư như đấu thầu và chờ phê duyệt dự án nên không thể hoàn thành việc lắp đặt toàn bộ 21 cảng hàng không như yêu cầu.

Theo đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị này đang triển khai dự án kiểm soát thời gian tại một số sân bay, dự kiến hoàn tất lắp đặt vào cuối quý II/2020. Theo đó, 3 sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đã được lắp đặt xong thiết bị trong tháng 2.2020. Ngoài ra, trong 18 cảng còn lại đã có 2 cảng hoàn thành xây dựng hạ tầng, đang lắp đặt hệ thống; 16 cảng đã lập dự án đầu tư và nộp hồ sơ xin cấp phép thi công lên Cục Hàng không...

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam - ông Vũ Thế Phiệt, việc lắp đặt hệ thống kiểm soát xe ra vào sân bay ngoài việc kiểm soát và thu phí còn đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Thời điểm hiện tại, ACV đã lắp đặt xong tại 3 sân bay lớn là Nội Bài - Đà Năng - Tân Sơn Nhất và hiện vẫn đang triển khai lắp đặt tại 18 sân bay còn lại.

Cũng theo ông Phiệt, vướng nhất hiện này thủ tục về mặt bằng và thi công, việc nay ACV đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đai diện Vụ Kết cấu Hạ tầng (Bộ Giao thông Vận tải), cũng cho biết đơn vị đã yêu cầu ACV hoàn thiện phương án với thời gian cụ thể theo từng sân bay và báo cáo Chính phủ. 

… và vướng cơ chế

Đầu năm 2018, Cục Hàng không từng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào các sân bay, trong đó có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bởi giá dịch vụ sử dụng sân, đường dẫn vào nhà ga đối với ôtô đón trả khách không có trong danh mục do Bộ Giao thông Vận tải định giá. Cùng đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ 1.10.2012 - 31.12.2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỉ đồng. Riêng các năm 2014 - 2015, chỉ có 7 cảng hàng không thu phí nhượng quyền dịch vụ phí hàng không, với số thu là 102 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành quy định về thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phí hàng không dẫn đến ACV tự tổ chức thu phí và việc triển khai thiếu tính thống nhất, cảng thu phí, cảng không thu và tỉ lệ thu khác nhau.

Cùng đó, Bộ Tài chính cho rằng, theo Điều 156 Luật Đất đai năm 2013, đất phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được Nhà nước giao đất cho Cảng vụ hàng không. Việc Cảng vụ hàng không để ACV sử dụng diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga, cảng hàng không có thu tiền là có mục đích kinh doanh nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định là có hành vi vi phạm trong sử dụng tài sản nhà nước.

Theo đại diện ACV, dự toán tổng mức đầu tư thực hiện toàn bộ dự án là 160 tỉ đồng, nhưng do ACV là doanh nghiệp 95% vốn Nhà nước, việc thực hiện đầu tư mua sắm tài sản phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định của Nhà nước về đấu thầu và xây dựng. Đồng thời phải được Cục Hàng không cấp phép thi công trước khi thực hiện theo đúng quy định. Do đó, ACV đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, sớm xem xét phê duyệt biện pháp thi công tại các cảng hàng không còn lại, đảm bảo tiến độ đề ra.

Đồng thời, ACV cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài Chính và Bộ TNMT xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hướng dẫn chi tiết đối với đất đai cảng hàng không nói chung và đất đường dẫn vào ga cảng nói riêng để ACV lên phương án thu giá dịch vụ.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, việc miễn giảm phí như ACV đưa ra chỉ mang tính đối phó, không đáng là bao. Trong lĩnh vực hàng không, hiện tại ACV đang “độc quyền” khai thác 22/23 cảng hàng không. Ngoài ra, doanh nghiệp cổ phần này cũng có doanh thu và lợi nhuận hàng năm rất lớn, trong khi các hãng hàng không Việt Nam lại chịu rủi ro cao do sự “độc quyền” này. Nếu ACV tiếp tục duy trì thế độc quyền tại sân bay thì hành khách và các hãng hàng không vẫn phải “chịu thiệt”.

Bởi hiện tại, 1 chiếc máy bay đang phải chịu hơn 20 loại phí. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài khiến các hãng hàng không phải cắt, giảm chuyến hàng loạt, máy bay “đắp chiếu”, nhân viên phải nghỉ việc không lương trong khi vẫn phải “cõng” các khoản chi phí khổng lồ. “Chính phủ cần trực tiếp vào cuộc cùng với ACV để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải giảm thuế, phí những loại mà doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ giảm mang tính hình thức”, ông Tống bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn