MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường Điện Biên Phủ từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Đồng Hới vẫn chưa được đấu nối vì vướng dự án BOT. Ảnh: Công Sáng

Vướng dự án BOT, đường gần 200 tỉ đồng làm xong rồi nằm chờ... đấu nối

CÔNG SÁNG LDO | 23/05/2024 08:59

Tuyến đường Điện Biên Phủ từ cầu Nhật Lệ 2 (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố, được xây dựng gần 1 năm qua với quy mô 4 làn đường, nhưng nơi giao nhau với đường tránh hiện tại vẫn chưa được đấu nối do vướng dự án BOT.

Xây xong gần 1 năm nhưng “tắc nghẽn”

Việc không đấu nối được với Quốc lộ khiến phương tiện lưu thông trên tuyến đường này rất ít. Phía cuối đường, chủ đầu tư đã đặt rào chắn bằng các khối bêtông.

Tuyến này nằm trong quy hoạch xây dựng tuyến đường ngang bắt đầu từ đường mòn Hồ Chí Minh, kéo dài thông suốt đến cầu Nhật Lệ 2, mở rộng không gian phát triển của TP Đồng Hới theo chiều Đông - Tây.

Được biết, đoạn đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến vị trí chưa đấu nối dài 1,4km. Tuyến đường thuộc dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án thành phố Đồng Hới, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thiết kế với bề rộng nền đường 36m, tổng mức đầu tư 165 tỉ đồng, hoàn thành cơ bản các hạng mục vào ngày 30.6.2023.

Vị trí đề xuất đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Đồng Hới tại Km 665+640 là nút giao mới hình thành. Phía nhà đầu tư đường tránh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh thực hiện, theo hình thức BOT.

Nhiều người dân tại đây bức xúc vì việc đường xây dựng xong nhưng không đi được, ông Trần Văn Duệ (57 tuổi, ở thôn Đức Giang, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, việc chưa đấu nối tuyến đường trên khiến quá trình di chuyển về cầu Nhật Lệ 2 mất rất nhiều thời gian đối với người dân sống nơi đây.

Gần ngay nhà ông Duệ là gia đình ông Phan Đình Hiệp (75 tuổi, thôn Đức Giang) cũng mong mỏi việc tuyến đường kéo dài từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh Quốc lộ 1 được đấu nối. Việc đấu nối giúp người dân dễ dàng di chuyển cầu Nhật Lệ 2 và biển. Tuyến đường mới rộng, đẹp dễ dàng di chuyển, nếu được đấu nối, người dân sẽ có lựa chọn tốt hơn so với đường cũ.

Tuyến đường Điện Biên Phủ từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Đồng Hới vẫn chưa được đấu nối vì vướng dự án BOT. Ảnh: Công Sáng

Chưa tìm được tiếng nói chung

Về chủ đầu tư dự án, Trưởng ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới Lê Thanh Tịnh cho biết, đã họp với nhà đầu tư đường tránh nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu.

Nhà đầu tư BOT cho rằng, việc đấu nối phần nào khiến phương tiện có thêm lựa chọn giao thông, dẫn đến việc giảm lưu lượng qua trạm thu phí Quán Hàu. Từ đây, sẽ giảm doanh thu phí hoàn vốn đầu tư và khả năng phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng.

“Để giải quyết vấn đề trên, Ban Quản lý Dự án kiến nghị lắp biển cấm rẽ trái dành cho các phương tiện từ hướng Bắc vào Nam, lắp camera giám sát để các phương tiện trên đường tránh không rẽ vào làm thất thu tại trạm thu phí Quán Hàu nhưng nhà đầu tư BOT vẫn không đồng ý” - ông Tịnh nói.

Theo quy định, các điểm đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường được đầu tư vào phương thức đối tác công tư (bao gồm dự án BOT), phải đảm bảo thực hiện theo Nghị định 117 của Chính phủ và Thông tư 39 của Bộ Giao thông Vận tải.

Cùng với đó, việc đấu nối này phải có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền và ý kiến của nhà đầu tư có liên quan, đặc biệt lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí. Đây là vấn đề mấu chốt, khiến các bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Vừa qua, tại cuộc họp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã có những kiến nghị, đề xuất về những khó khăn trong thủ tục đấu nối một số tuyến giao thông huyết mạch như trục Đông - Tây, dự án Cầu Nhật Lệ 3, dự án đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Bình…

Ông Thắng cho rằng, những vướng mắc này gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, các công trình của quốc gia. Địa phương mong muốn có phương án kết nối nhằm giúp đồng bộ giữa quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn