MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ xã (bìa trái và bìa phải ảnh) Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở một hộ dân. Ảnh: Hưng Thơ.

Vướng mắc cần tháo gỡ ở chương trình mục tiêu quốc gia

TIẾN NHẤT LDO | 02/09/2023 10:16

Do một số vướng mắc chưa được tháo gỡ, 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Trị gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai.

Để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, ban hành quy chế hoạt động ban chỉ đạo; tập trung công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và cơ bản ban hành đầy đủ các văn bản - để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu. Nổi bật, là tỉ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 toàn tỉnh cuối năm 2022 là 14,93% (giảm 1,27% so với đầu năm 2022); Tỉ lệ nghèo đa chiều huyện nghèo Đakrông 53,45% (giảm 3,72%); Tỉ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số 67,55% (giảm 2,93%); Tỉ lệ nghèo đa chiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 13,7% (giảm 2,92%).

Đến nay, Quảng Trị đã có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 69/101 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; năm 2022 có 10 xã đang được xem xét hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỉ lệ 9,9%). Kế hoạch vốn năm 2022 đã giải ngân đạt 41,6%; phần vốn kế hoạch 2022 chưa giải ngân kéo dài thực hiện trong năm 2023 đã giải ngân đạt 51,9%; kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân đạt 32,4%.

Theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tiến Nhất

“Do đó, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện” - ông Hà Sỹ Đồng nói.

Về những vấn đề vướng mắc của tỉnh Quảng Trị, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia vào cuối tháng 8.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông tin, liên quan đến bộ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao về kiến nghị của tỉnh trong tổ chức hội thảo, hội nghị tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, và sẽ sớm có kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Bước đầu, đã chỉ đạo các bộ, ngành có sổ tay hướng dẫn trong thực hiện các tiêu chí về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóp góp của nhân dân, và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn