MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Mai Sao

Vượt khó để dạy nghề cho người dân vùng sâu Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 13/09/2024 16:12

Đắk Lắk - Thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Krông Năng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đào tạo nghề, giúp người lao động vươn lên thoát nghèo.

Chủ động nâng cao chất lượng dạy nghề

Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt công tác dạy nghề ở địa phương.

Trong năm 2023, Trung tâm đã gửi công văn phối hợp tuyển sinh đào tạo các lớp dạy nghề cho người lao động nông thôn đến các xã, thị trấn trong huyện kịp thời.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể của các xã, thị trấn tuyên truyền về công tác đào tạo nghề đến từng thôn, buôn, tổ dân phố.

Lao động nữ ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) tự liên kết tạo việc làm sau khi học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Ảnh: Nguyễn Xuân

Ông Nông Đức Nam - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng - cho biết: "Những năm qua, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng dân tộc và 8 xã, thị trấn (thuộc diện thụ hưởng của chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719) triển khai công tác tuyển sinh học viên lẫn bố trí nguồn kinh phí một cách kịp thời.

Cơ chế là phân cấp quản lý, trao quyền cho các cấp, cơ sở và người dân thực hiện. Đặc biệt, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, giải ngân, nghiệm thu, thanh quyết toán các dự án, hoạt động sử dụng kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 được triển khai một cách bài bản.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719.

Trong đó, Trung tâm đã chủ động nắm bắt số lượng học viên, hình thức, thời gian đào tạo cụ thể và có kế hoạch giám sát, nội dung giám sát, kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề.

Từ đó, kịp thời nắm được những bất cập, chồng chéo trong quá trình thanh, kiểm tra để nâng cao chất lượng dạy nghề cho người dân địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thiết bị dạy nghề hư hỏng

Ông Nông Đức Nam - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng - chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện, Trung tâm được UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Dân tộc huyện, các xã, thị trấn đều quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về công tác tuyển sinh.

Điều đáng phấn khởi, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề hiện nay tại Trung tâm phần lớn đã bị hư hỏng, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hành của học viên.

Mặt khác, hiện nay, các đối tượng học viên trẻ tuổi chủ yếu đi học hoặc đi làm ăn xa tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ở ngoài tỉnh. Những người ở lại chủ yếu nông dân lớn tuổi nên ý thức tham gia học nghề chưa cao.

Bên cạnh đó, đối tượng tuyển sinh theo chương trình dự án hạn chế trong khi dạy nghề cơ động tại chỗ cho từng địa phương nên khó đủ số lượng 35 học viên/lớp.

"Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn để tuyển sinh, mở đủ lớp để đào tạo nghề cho người lao động địa phương. Mục tiêu của Trung tâm là ngày càng có nhiều người tham gia học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, tự tạo hoặc kiếm được công ăn việc làm ổn định. Từ đó, mỗi người dân sẽ có thêm hành trang để từng bước vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững" - ông Nam chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn