MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường trung tâm xã Thanh Chăn - xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Xã biên giới gồng mình giữ tiêu chí nông thôn mới

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 11/05/2023 14:41
Điện Biên - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thế nhưng, không ít địa phương khi đạt chuẩn thì lại phải chật vật duy trì các tiêu chí...

Xã điểm về xây dựng nông thôn mới giờ ra sao?

Xã Thanh Chăn là một xã biên giới thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhưng chỉ cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 10km. Đây cũng là 1 trong 11 xã trên cả nước được Ban Bí thư lựa chọn thí điểm xây dựng NTM và là xã đầu tiên của tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015.

Không thể phủ nhận sự đổi thay diện mạo của một xã biên giới khi được chọn thí điểm xây dựng NTM và được "dồn lực" để về đích theo các tiêu chí đặt ra. Theo đó, hệ thống giao thông liên thôn, bản đã được bê tông hóa; trụ sở làm việc, các trường học được đầu tư nâng cấp.

Cùng với đó là trung tâm văn hóa xã, nhà  thi đấu thể thao đa năng, sân vận động, chợ, trung tâm học tập cộng đồng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Hai công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh...

Chợ trung tâm xã Thanh Chăn thiếu vắng sự nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi. Ảnh: Thanh Bình

Thế nhưng, sau gần 8 năm đạt chuẩn NTM, đến nay hầu hết các công trình đã bắt đầu xuống cấp và không có nguồn để sửa chữa. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường liên xã đã xuống cấp, thậm chí có đoạn hư hỏng nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó, ngay từ khu trung tâm xã, rác thải sinh hoạt cũng không được còn thu gom, tập kết theo quy định gây mất vệ sinh môi trường. Một số tuyến kênh, mương nguồn nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng.

Có thể thấy, hiện nay ở Thanh Chăn không còn không khí sôi nổi của "phong trào" xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa như gần 8 năm trước. Cũng không còn mấy ai quan tâm hay tự hào về danh hiệu xã NTM đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Vì sao lại như vậy?

Nhiều công trình, đường sá đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Bình

Về đích đã khó nhưng giữ vững tiêu chí còn khó hơn

Sau gần 8 năm đạt chuẩn NTM thì đến nay xã Thanh Chăn không những không phát huy được hiệu quả của phong trào như kỳ vọng mà thậm chí còn đang phải “chật vật” để duy trì các tiêu chí theo quy định của bộ tiêu chí mới giai đoạn .

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, trong số 19 tiêu chí NTM hiện nay, có những tiêu chí rất khó duy trì và tính bền vững cũng không cao. Đặc biệt là khi áp vào bộ tiêu chí mới.

Theo đó, một số tiêu chí “tĩnh” như: Giao thông, thủy lợi, và cơ sở vật chất như trụ sở, chợ, trường học cũng đang xuống cấp nhưng chưa có nguồn để đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, các tiêu chí “động” như: Môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người... là những tiêu chí dễ biến động và khó duy trì.

Điểm Bưu điện Văn hóa xã Thanh Chăn. Ảnh: Thanh Bình

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, nếu tính thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 thì xã Thanh Chăn đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, nguồn thu nhập lại chủ yếu đến từ cán bộ, công chức và những người đi lao động ngoài địa phương. Bên cạnh đó còn có thuận lợi là người dân vẫn đang được hưởng các chế độ ưu đãi của khu vực biên giới.

"Mặc dù toàn xã có khoảng 260ha diện tích lúa nước 2 vụ nhưng nếu chỉ trông chờ vào nông nghiệp thì thu nhập thấp và bấp bênh. Do vậy, hiện toàn xã có khoảng trên 50% lao động đi làm các ngành nghề phi nông nghiệp, thậm chí vào thời điểm nông nhàn, tỉ lệ này lên đến khoảng gần 70%" - ông Vĩnh cho hay. 

Ngoài ra, khi được công nhận đạt chuẩn NTM, người dân không còn được hưởng chế độ BHYT nên nhiều người dân không có điều kiện để tự mua BHYT. Chính vì lý do đó nên mặc dù thu nhập bình quân đầu người hơn 40 triệu nhưng tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã đến hết năm 2022 vẫn chiếm trên 10%.  

 Xã Thanh Chăn có khoảng 260ha diện tích lúa nước 2 vụ nhưng đời sống nhiều người dân vẫn khó khăn. Ảnh: Văn Thành Chương

Có thể thấy, mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Do vậy, khi đã được công nhận đạt chuẩn thì không có nghĩa là đã “về đích”.

Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Nếu không phát huy từ nội lực và tạo thành một phong trào bền vững thì xây dựng NTM sẽ chỉ đem lại áp lực cho chính quyền và người dân vùng nông thôn.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn