MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa đàm “Xã hội hóa việc biên soạn SGK: Thuận lợi và thách thức” do Báo Lao Động tổ chức chiều 5.3. Ảnh: Sơn Tùng

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Cạnh tranh bằng giá và chất lượng

Đặng Chung LDO | 06/03/2020 08:54
Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh và giáo viên có được những bộ SGK tốt nhất. Nhưng làm thế nào để việc lựa chọn khách quan, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?

Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh

Đây là những vấn đề được các khách mời đặt ra và có nhiều bàn luận tại buổi tọa đàm “Xã hội hóa việc biên soạn SGK: Thuận lợi và thách thức” do Báo Lao Động đã tổ chức vào chiều 5.3.

Theo TS Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trong một giai đoạn dài, giáo dục của chúng ta vẫn nặng về kiến thức, SGK được coi là pháp lệnh vì có duy nhất một bộ do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phát hành. Từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88, với chủ trương “xã hội hóa việc biên soạn SGK, sẽ có một số SGK cho mỗi môn học” đã góp phần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình, tham gia viết SGK. Đặc biệt, từ chủ trương của Nghị quyết 88, đã có bộ SGK xã hội hóa đầu tiên ra đời, do đơn vị tư nhân bỏ tiền ra làm, nội dung cũng được hội đồng thẩm định đánh giá cao. 

TS Đỗ Thị Thanh Hà - Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương - cũng cho rằng, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là rất đúng. TS Hà nhận định: Thực hiện xã hội hóa, về phía Nhà nước sẽ tiết kiệm ngân sách rất lớn. Thêm vào đó, chúng ta huy động được các nguồn lực, hàng trăm tác giả, trí tuệ nhiều nhà giáo trong xã hội tham gia viết SGK. Việc thực hiện xã hội hóa sẽ giúp hạn chế độc quyền SGK. Khi có nhiều bộ SGK, người được lợi nhất là học sinh, phụ huynh”.

Hãy để nhà xuất bản cạnh tranh bằng chất lượng và giá sách

Cũng đánh giá chủ trương xã hội hóa giúp các đơn vị tư nhân có cơ hội được đem trí tuệ, tâm huyết của mình để tham gia viết SGK, nhưng Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc VEPIC, đơn vị biên soạn bộ sách “Cánh diều” - cho biết, còn nhiều băn khoăn và trăn trở.

“SGK là hàng hóa cần tuân theo Luật Kinh tế thị trường. SGK mới đẹp hơn, bắt mắt hơn, khổ sách lớn hơn, số trang nhiều hơn, nhưng nay cơ quan quản lý lại yêu cầu phải bán theo sách cũ… Nếu bán thế thì lỗ, làm sao các đơn vị, nhà xuất bản có thể tiếp tục làm sách được?” - ông Ngô Trần Ái tâm tư.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Tổng chủ biên kiêm chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ sách “Cánh diều” - cũng băn khoăn về đề xuất giá SGK mới như trên. “Nếu từ đầu nói xã hội hoá nhưng Nhà nước định giá, sẽ không ai làm. Và NXB tham gia làm sách mà lỗ thì không ai in sách, tác phẩm của chúng tôi không đến được với học sinh, Nghị quyết của Đảng về xã hội hoá SGK cũng không thực hiện được”- GS Thuyết nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn của đơn vị và tác giả viết SGK, TS Đỗ Thị Thanh Hà - Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương - đề xuất: Hoàn cảnh của mỗi phụ huynh khác nhau. Vì thế, chúng ta đã có 5 bộ sách để mọi người có thể lựa chọn. “Nếu lo lắng giá SGK mới quá cao, phụ huynh vùng khó khăn không tiếp cận được thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội được học bộ sách tốt, chất lượng”- TS Hà nhấn mạnh.

Vì mục tiêu chọn bộ SGK tốt nhất cho học sinh

Ngoài bàn luận về giá SGK mới, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến về việc lựa chọn SGK mới. Theo cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh - giáo viên Trường Tiểu học Vietkids, phụ huynh đang rất quan tâm đến việc lựa chọn sách. “Chúng tôi luôn đặt tiêu chí phù hợp lên hàng đầu, phù hợp với học sinh, với địa phương, phù hợp với tiêu chí mà cơ sở mình giảng dạy. Hơn cả, đó là quyền lợi của học sinh”- cô Mỹ Anh nêu quan điểm về việc chọn SGK của trường mình.

Cũng liên quan đến việc lựa chọn SGK, hiện có nhiều băn khoăn về việc làm sao đảm bảo minh bạch, khách quan, tránh việc các đơn vị “vận động hành lang” trong lựa chọn sách. PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - “hiến kế”: 5 bộ sách đã có hội đồng của bộ quyết định nội dung, hình thức và được quyền vào tất cả các trường. Nghị quyết 88 đã nói, quyền lựa chọn, thẩm định cuốn sách đó là của giáo viên. Giáo viên lựa chọn, nhà trường sẽ có một hội đồng để lựa chọn bộ nào, quyển nào, sau đó đưa lên huyện, tỉnh. Lãnh đạo địa phương chỉ có trách nhiệm tập hợp ý kiến của cơ sở. Nếu lựa chọn sách theo cách này, tôi nghĩ chẳng ai “lobby” được cả quá trình như thế và sẽ rất minh bạch”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn