MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm giao thông đường bộ. Ảnh: Hải Nguyễn

Xác định cơ quan chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông

PHẠM ĐÔNG LDO | 04/12/2023 14:34

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Toàn quốc xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường, tập trung quy định về trật tự an toàn giao thông với quy hoạch, đổi mới đăng kiểm, đăng ký đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe.

Theo tờ trình của Chính phủ, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém.

Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Tình hình trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.

Bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân

Thực tiễn sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch.

Điều này dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như mục tiêu đề ra.

Từ những phân tích trên, Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Đồng thời xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự án luật cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Theo dự thảo luật, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới theo quy định của Luật này.

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phương tiện và người điều khiển phương tiện cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý điều kiện về sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông; cung cấp thông tin thống kê người bị tai nạn giao thông đường bộ cho Bộ Công an.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn