MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố sụt xuất hiện giữa đường dân sinh tại tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá. Ảnh: Lê Phi Long

Xác định nguyên nhân xuất hiện 2 hố sụt bất thường tại Quảng Bình

LÊ PHI LONG LDO | 02/10/2023 15:57

Quảng Bình - Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh vừa tiến hành khảo sát và xác định nguyên nhân xuất hiện 2 hố sụt lún xảy ra ở khu vực nhà dân tại thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa).

Ngày 2.10, Sở KHCN tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá nguyên nhân tình trạng sụt lún trên địa bàn thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa).

Trước đó, UBND huyện Minh Hóa có công văn về việc xử lý hố sụt, lún đất trên địa bàn thị trấn Quy Đạt. Sau đó, Sở KHCN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế, kết quả cho thấy, tình trạng sụt lún xảy ra tại 2 địa điểm, gồm: 1 hố sụt lún trên đường vào nhà ông Nguyễn Đức Lộc và 1 hố sụt lún phía sau nhà ông Đinh Thanh Sơn (đều ở tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá).

Sở KHCN tỉnh Quảng Bình kiểm tra hiện trường hố sụt. Ảnh: Lê Phi Long

Cụ thể, hố sụt lún giữa đường dân sinh vào nhà ông Nguyễn Đức Lộc, cạnh nhà bà Cao Thị Xoa (tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá) tại thời điểm khảo sát có đường kính miệng hố 3,5 m; sâu hơn 1,5 m; mệng hố sụt tạo thành hình tròn nằm dưới đường bê tông.

Ông Nguyễn Đức Lộc cho biết, hiện tượng sụt lún xảy ra ngày 27.9.2023, trước đó, trời mưa nhiều tại khu vực.

Theo nhận định của Sở KHCN tỉnh Quảng Bình, đây là sụt lún karst, nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích, kèm theo một ít là bồi tích và tàn tích, được thành tạo trên nền đá vôi ở phía dưới. Nền đá vôi phía dưới hố sụt này bị quá trình karst hóa tạo thành các hố, hang, hốc rỗng… Do đó, khi có mưa nhiều, nước từ khe cạn trên núi Cây Sường chảy qua là một tác nhân hỗ trợ cho các quá trình karst ở dưới tầng đá gốc (đá vôi), là quá trình tạo các hố, hang, hốc rỗng gây sụt lún karst.

Trên cơ sở thông tin bổ sung từ phản ánh của lãnh đạo và người dân ở tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hoá) Sở KHCN tỉnh Quảng Bình cũng tiến hành khảo sát thêm hố sụt lún thứ 2 ở phía sau nhà ông Đinh Thanh Sơn thuộc núi Cây Sường, cách hố sụt trên đường vào nhà ông Nguyễn Đức Lộc khoảng 500m.

Sở KHCN Quảng Bình xác định đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến của tự nhiên. Ảnh: Lê Phi Long

Theo đó, tại thời điểm khảo sát hố sụt có hình phễu diện rộng, đường kính hố sụt lún khoảng 70 m.

Theo lãnh đạo tổ dân phố, hố bị sụt lún bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và nay tiếp tục sụt dần.

Sở KHCN tỉnh Quảng Bình đánh giá, nguyên nhân sụt lún là do phía dưới sườn núi, ở tầng đá vôi đã có hiện tượng karst hóa tạo các có các hố, hang, hốc rỗng…, gây sụt lún đất. Hố sụt này gây nên hiện tượng sụt và trượt cục bộ xung quanh.

Từ nhận định trên, Sở KHCN tỉnh Quảng Bình đề xuất, khuyến nghị biện pháp xử lý đối với hố sụt lún trên đường vào nhà ông Nguyễn Đức Lộc: dùng cát lấp đầy hố sụt, để hố cát tự lắng động một thời gian. Khi cát tụt xuống, tiếp tục lấp đầy…, đến một thời gian ổn định (cát không tụt xuống nữa) thì hoàn thành và hoàn thiện lại công trình.

Đồng thời, cần khơi thông khe cạn phía sau nhà ông Nguyễn Đức Lộc tạo thoát nước nhanh, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Về lâu dài, cần nắn dòng chảy của khe cạn về phía sườn dốc (nơi không có khu dân cư), nhằm hạn chế tác động của khe nước chảy vào khu dân cư gây hiện tượng sụt lún.

Hố sụt còn lại có đường kính hố sụt lún khoảng 70m, bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và nay vẫn tiếp tục sụt dần. Ảnh: Lê Phi Long

Đối với hố sụt lún phía sau nhà ông Đinh Thanh Sơn, cần san phẳng theo mặt sườn núi toàn bộ khu vực sụt lún nói trên không tạo nên động nước ở khu vực; đầm chặt các đường ranh giới sụt lún hiện có; tạo rãnh thoát nước nhanh khỏi khu vực này vào mùa mưa lũ; không khai thác các cây cối khu vực sườn núi trên. Đồng thời, tạo các dòng chảy thoát nước trên sườn núi hạn chế ngấm nước ở khu vực gây ra sụt trượt trong thời gian tới.

Sở KHCN tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị đối với UBND huyện Minh Hóa và thị trấn Quy Đạt cần tuyên truyền người dân không nên quá hoang mang lo lắng, vì đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến của tự nhiên. Đồng thời thường xuyên theo dõi, khi có hiện tượng khác lạ xảy ra, báo cáo các cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn