MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xăng giảm giá, doanh nghiệp nóng lòng chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: LĐO

Xăng giảm giá, doanh nghiệp nóng lòng chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ

Thu Giang LDO | 25/07/2022 07:04

Dù giá xăng đang giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất lo lắng khi một số mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Vẫn chưa hết áp lực 

Theo anh Trần Văn Thành (nhân viên nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh) cho rằng, việc giá xăng dầu gần đây giảm mạnh như một “làn gió mát” giúp doanh nghiệp vận tải giảm phần nào gánh nặng chi phí. Thời điểm trước đó, nhà xe cũng đã phải gồng mình chịu lỗ trong thời gian dài, duy trì tần suất chuyến đều đặn để tránh mất khách hàng.

“Việc giá xăng dầu giảm mạnh là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong những tháng hè, học sinh sinh viên đều nghỉ hết nên DN chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc cân đối, sắp xếp, duy trì tần suất hoạt động của các chuyến xe” - anh Thành nói. 

Đa số hàng hoá nông sản vẫn đang neo ở mức cao cũng khiến chị Trần Thị Nhung (chủ cửa hàng thực phẩm Beefood, Hà Nội) không khỏi lo lắng. Chị Nhung cho biết, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng một số nhà xe, đối tác chuyên cung cấp hàng hoá, thực phẩm cho cửa hàng vẫn giữ giá như cũ và chưa có động tĩnh hạ nhiệt.  

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng chia sẻ, dù giá xăng dầu đã giảm thêm nhưng vẫn khó kéo giá trứng, gia cầm xuống thấp bởi giá thành sản xuất trứng đã tăng cao kỷ lục.

Cụ thể, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí logistics đã chiếm dưới 20%, giá xăng dầu là một phần nhỏ của chi phí này. Còn giá thức ăn chăn nuôi, giá lương thực trên thế giới vẫn đang tăng do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chờ ngày hạ nhiệt 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động tức thì, nhưng thông thường, cần phải có khoảng thời gian ít nhất 10 - 20 ngày để hình thành sự điều chỉnh chung trên thị trường giá cả. Người dân, doanh nghiệp cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào việc giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm sẽ giảm ngay lập tức theo giá xăng dầu.

Tương tự, một số doanh nghiệp ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) cũng cho biết, hiện tại họ khó có thể giảm giá vì chi phí đầu vào đã tăng đến 30%. Nhiều DN kiến nghị, mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá để tạo cơ sở giảm và ổn định giá thành sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá xăng dầu thường được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường. Trong hai lần điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu tuy đã giảm nhưng đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ còn phải căn cứ theo xu hướng giá chung.

Cụ thể, thời gian qua, giá hàng hóa tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng và doanh nghiệp đã hạch toán dần vào chi phí sản xuất. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu sẽ chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).

Việc điều chỉnh giá hàng hóa, theo ông Đinh Trọng Thịnh, không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Giá xăng dầu giảm vừa qua chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.

“Nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường” - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thông tin. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn